Phương pháp Kiểm tra trực quan (Visual testing-VT)
Phương pháp này thường không được liệt kê vào danh sách các phương pháp NDT, phương pháp kiểm tra trực quan là một trong những phương pháp phổ biến nhất và hiệu quả nhất theo nghĩa kiểm tra không phá hủy. Đối với phương pháp kiểm tra trực quan thì bề mặt của vật thể kiểm tra cần phải có đủ độ sáng và tầm nhìn của người kiểm tra phải thích hợp. Để thực hiện phương pháp kiểm tra trực quan hiệu quả nhất, cần phải chú ý đến những phẩm chất đặc biệt bởi vì trong phương pháp kiểm tra này cần phải được huấn luyện (kiến thức về sản phẩm và các quá trình gia công, dự đoán điều kiện hoạt động, các tiêu chuẩn áp dụng, duy trì số liệu đo) và bản thân người kiểm tra cũng cần phải được trang bị một số các thiết bị và dụng cụ. Trong thực tế tất cả các khuyết tật được phát hiện bởi những phương pháp NDT khác cuối cùng cũng phải được kiểm chứng lại bởi quá trình kiểm tra trực quan. Các phương pháp NDT phổ biến như là phương pháp kiểm tra hạt từ (MT) và phương pháp kiểm tra bằng chất thấm lỏng (PT) thực ra cũng là những phương pháp có tính khoa học đơn giản để làm nổi bật các chỉ thị nhằm dễ nhìn thấy hơn. Các thiết bị cần thiết thì đơn giản (hình 4.1) như: một đèn xách tay, một gương có tay cầm, một kính lúp có tay cầm độ phóng đại 2x hay 4x, một thiết bị khuếch đại ánh sáng có độ phóng đại 5x hoặc 10x. Để thực hiện việc kiểm tra từ phía bên trong vật liệu, cần phải có hệ thống các thấu kính ánh sáng như nội soi (borescope), cho phép kiểm tra được những bề mặt từ xa. Những thiết bị tinh vi hơn thuộc loại này sử dụng các sợi quang học cho phép đưa vào các lỗ và khe rất nhỏ. Hầu hết các hệ thống này được gắn thêm các máy ảnh cho phép ghi nhận lại các kết quả để giữ lại lâu dài.
- Gương có tay nắm: có thể là gương phẳng để quan sát bình thường hoặc gương lõm cho độ phóng đại giới hạn.
- Kính lúp có tay cầm (có độ phóng đại thường là 2 – 3x).
- Thiết bị khuếch đại ánh sáng; trường nhìn hạn chế hơn D (hệ số phóng đại 5 – 10x).
- Kính kiểm tra, thường gắn một thang đo; mặt trước đặt tiếp xúc với vật thể kiểm tra (độ phóng đại 5 – 10x).
- Nội soi (Borescope hoặc intrascope) có nguồn sáng lắp trong (độ phóng đại 2 – 3x).
Các ứng dụng của phương pháp kiểm tra trực quan:
(1) Kiểm tra điều kiện bề mặt của vật thể kiểm tra.
(2) Kiểm tra sự liên kết của các vật liệu ở trên bề mặt.
(3) Kiểm tra hình dạng của chi tiết.
(4) Kiểm tra các dấu hiệu rò rỉ.
(5) Kiểm tra ở những vị trí không thể tiếp cận được.