Ngày 28 tháng 12 năm 2023, tại Trung tâm Đánh giá không phá hủy – 140 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội đã diễn ra phiên họp Hội đồng KHCN tư vấn đánh giá, nghiệm thu đề tài nghiên cứu cấp Bộ năm 2022-2023 về “Nghiên cứu thiết kế chế tạo Hệ thiết bị kiểm tra hạt từ cố định đáp ứng được yêu cầu của các tiêu chuẩn của Hội thử nghiệm và vật liệu Hoa Kỳ (ASTM)”, đề tài do CN. Lê Đức Thịnh làm chủ nhiệm, Trung tâm Đánh giá không phá hủy (NDE) là Cơ quan chủ trì, thời gian thực hiện 24 tháng (từ 01/2022 đến 12/2023).

Điều hành phiên họp là TS. Trần Ngọc Toàn – Chủ tịch Hội đồng, cùng các thành viên trong Hội đồng là các chuyên gia thuộc lĩnh vực Kiểm tra không phá hủy (NDT), vật lý hạt nhân, điện tử. Phiên họp còn có sự tham dự của đại diện Ban Kế hoạch và Quản lý khoa học – Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam và các cán bộ của Trung tâm NDE. Ngoài ra, về phía khách mời có ông Nguyễn Trọng Quốc Khánh – Giám đốc Công ty TNHH Giải pháp kiểm định Việt Nam (VISCO NDT).

Toàn cảnh phiên họp Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu đề tài

Tại phiên họp, chủ nhiệm đề tài CN. Lê Đức Thịnh đã trình bày tóm tắt quá trình tổ chức thực hiện đề tài, báo cáo về sản phẩm và các kết quả đạt được của đề tài, trong đó nhấn mạnh công tác nghiên cứu thiết kế và chế tạo từng bộ phận của hệ thiết bị kiểm tra hạt từ cố định. Hệ thiết bị sau khi được chế tạo có các thông số kỹ thuật chính như dòng điện từ hóa cực đại, kích thước tổng thể và cuộn dây từ hóa tương đương với hệ thiết bị Mag Kit P1500 của hãng Magnaflux sản xuất tại Hoa Kỳ. Ngoài ra, hệ thiết bị này có một số cải tiến hơn như: đồng hồ hiển thị dòng điện dạng kỹ thuật số, có bộ kiểm soát thời gian phát dòng, dòng điện từ hóa dạng hình sin chuẩn thay vì dạng hình răng cưa của hệ thiết bị P1500. Cùng với đó việc đánh giá độ chính xác, độ ổn định và hoạt động tổng thể của hệ thiết bị cũng được nhóm thực hiện chú trọng thực hiện đầy đủ và đáp ứng theo các tiêu chuẩn ASTM E709 và ASTM E144. Bên cạnh đó, để có đánh giá độc lập về hệ thiết bị, nhóm thực hiện đề tài đã mời đơn vị thứ ba thực hiện công tác hiệu chuẩn và hệ thiết bị đã được cấp giấy chứng nhận hiệu chuẩn theo quy định.

Toàn thể Hội đồng cũng đã tham quan trực tiếp và đánh giá hệ thiết bị thông qua phần trình diễn đánh giá hoạt động tổng thể của thiết bị và ứng dụng kiểm tra trên một số sản phẩm, chi tiết máy. Thông qua đó, hệ thiết bị hoàn toàn đáp ứng các yêu cầu về độ nhạy và khả năng phát hiện các bất liên tục trên các mẫu được trình diễn kiểm tra.

Các thành viên trong Hội đồng kiểm tra hoạt động của hệ thiết bị

Tiếp đó, Hội đồng đã đưa ra những ý kiến nhận xét, góp ý đối với đề tài về việc chỉnh sửa Báo cáo tổng hợp, theo đó cần cập nhật một số thông tin và chỉnh sửa các lỗi về trình bày nội dung báo cáo. Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao kết quả thực hiện đề tài của chủ nhiệm và nhóm nghiên cứu. Đề tài có ý nghĩa rất lớn trong việc lan tỏa ứng dụng sản phẩm của đề tài đến các học viên tham dự các khóa đào tạo về Phương pháp kiểm tra hạt từ và đến các đơn vị có nhu cầu sử dụng. Ngoài ra, đề tài cũng góp phần nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ của Trung tâm NDE, từ đó sẽ góp phần xây dựng năng lực đáp ứng được các nhu cầu về sửa chữa, bảo dưỡng và hiệu chuẩn các hệ thiết bị kiểm tra hạt từ cố định đang được sử dụng tại Việt Nam.

Phát biểu kết luận tại phiên họp, TS. Trần Ngọc Toàn đồng tình và đánh giá cao ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng và đề nghị nhóm thực hiện đề tài cần tiếp thu ý kiến để hoàn thiện các báo cáo. Đồng thời, cũng mong muốn cơ quan chủ trì và cơ quan quản lý cấp trên tiếp tục tạo điều kiện để nhóm nghiên cứu hoàn thiện hơn sản phẩm và có những nghiên cứu nâng cao hơn nhằm tiếp nối các kết quả đã đạt được của đề tài. Kết quả nghiệm thu đề tài: Đạt.

Kết thúc phiên họp, thay mặt nhóm thực hiện đề tài Chủ nhiệm đề tài xin tiếp thu các ý kiến góp ý của các thành viên trong Hội đồng và gửi lời cảm ơn tới Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ để đề tài hoàn thành theo đúng tiến độ, sản phẩm đáp ứng đúng theo yêu cầu đặt hàng.

 

Nhóm thực hiện đề tài cấp Bộ 2022-2023, Trung tâm NDE