Phát biểu chúc mừng các nhà khoa học, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận những đóng góp của ngành, khẳng định ‘khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là con đường ngắn nhất để đạt được các mục tiêu’.
Từ sáng sớm 15/5, hội trường 113 Trần Duy Hưng – nơi diễn ra Lễ chào mừng Ngày khoa học và công nghệ Việt Nam 18/5 và 65 năm thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ chật kín người tham dự.
Với chủ đề “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo – Nâng tầm vị thế quốc gia”, sự kiện có sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính, nguyên Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang cùng các Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Quốc Minh; Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam Châu Văn Minh, đại diện Lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, tổ chức quốc tế. Hàng trăm khách mời, lãnh đạo các địa phương, các viện nghiên cứu, doanh nghiệp và nhà khoa học, cán bộ quản lý khoa học và công nghệ các thời kỳ tề tựu tại ngày hội của những người làm khoa học, cùng ôn lại chặng đường 65 phát triển.
Trước khi bước vào phiên chính của sự kiện, Thủ tướng và các đại biểu đã thăm 15 gian hàng trưng bày tại sảnh trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ 113 Trần Duy Hưng (Hà Nội), gồm kết quả nghiên cứu của các lĩnh vực quốc phòng, ngân hàng, nông nghiệp, công nghiệp, giao thông, y tế, khoa học xã hội và nhân văn tiêu biểu.
Mở đầu lễ chào mừng, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nhìn nhận lại chặng đường 65 năm phấn đấu và trưởng thành, qua từng giai đoạn lịch sử của Bộ. Ông khẳng định, dù tên gọi của Bộ có nhiều lần thay đổi, song Bộ Khoa học và Công nghệ luôn được giao nhiệm vụ là cơ quan tham mưu cao nhất cho Đảng, Quốc hội và Chính phủ trong việc hoạch định và triển khai các chính sách phát triển khoa học kỹ thuật và hiện nay là khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Trong nhiều năm qua, pháp luật về khoa học và công nghệ luôn được quan tâm xây dựng và sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn quản lý, có thể kể đến Luật Khoa học và Công nghệ năm 2000, 2013; Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019 và 2022; Luật Chuyển giao công nghệ năm 2006; 2017; Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật năm 2006; Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007; Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008; Luật Công nghệ cao năm 2008; Luật Đo lường năm 2011… Bộ trưởng khẳng định các đạo luật này cùng với hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành ngày càng hoàn thiện đã góp phần tạo hành lang pháp lý thuận lợi và đồng bộ hơn cho hoạt động khoa học nghệ và quản lý.
Người đứng đầu Bộ Khoa học và Công nghệ nhìn nhận cơ chế và chính sách quản lý hoạt động khoa học và công nghệ luôn được quan tâm đổi mới, nhằm giải phóng tiềm năng sáng tạo, tạo môi trường thuận lợi và thông thoáng cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Ông cho biết hơn 10 năm qua, Ngày Khoa học và công nghệ Việt Nam trở thành ngày hội của lực lượng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của cả nước. Nhiều hoạt động đã khơi dậy, truyền cảm hứng và khát vọng sáng tạo trong cộng đồng; hình thành văn hóa đổi mới sáng tạo và nuôi dưỡng tình yêu khoa học trong giới trẻ, góp phần kiến tạo một xã hội tôn trọng khoa học và tư duy sáng tạo.
Sau phần khai mạc của Bộ trường, cả hội trường tập trung theo dõi thước phim tái hiện dòng chảy 65 năm phát triển ngành khoa học công nghệ. Phóng sự điểm những thành tựu về khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, dấu ấn lịch sử trong nhiều ngành, lĩnh vực trọng yếu của đất nước.
Là khách mời đầu tiên phát biểu, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định khoa học và công nghệ đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế chung, trong đó làm gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp. Theo đó, việc gia tăng giá trị nông nghiệp được tích lũy trên hành trình tri thức, áp dụng công nghệ; áp dụng trong phòng thí nghiệm, khởi nguồn từ những câu hỏi đời sống hàng ngày. Đó là làm sao để nông sản đạt chất lượng cao hơn, tối ưu hóa sản phẩm trên một diện tích, thu nhập đời sống của người nông dân tốt hơn… Giá trị gia tăng nông nghiệp còn được thể hiện ở việc áp dụng kinh tế xanh tuần hoàn trong nông nghiệp.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, các nhà khoa học nông nghiệp luôn trăn trở về các đề tài, công trình nghiên cứu, tìm hiểu những khó khăn tồn tại trong nông nghiệp, nông thôn để tìm ra những giải pháp mới. Trong những năm qua, nhiều nhà khoa học nông nghiệp được vinh danh tại giải thưởng Tạ Quang Bửu. Họ tích cực ra ruộng, về làng để trò chuyện, trao đổi các nghiên cứu mới với bà con nông dân, giúp khoa học và cuộc sống xích lại gần nhau hơn. Đó là cách tri thức hóa nông dân trong cuộc cách mạng nông nghiệp lần thứ 4.
Ông cho hay, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã kết hợp Bộ Khoa học và Công nghệ trong nhiều hoạt động nghiên cứu, xây dựng chính sách… Thời gian tới, cả hai Bộ sẽ phát triển cơ chế ghi danh và liên kết công nghệ với nông nghiệp; tổ chức diễn đàn trưng bày sản phẩm khoa học công nghệ… giúp kết nối cung và cầu, ghi nhận, lắng nghe phản ánh về các sản phẩm khoa học công nghệ nông nghiệp.
Trong phần phát biểu tiếp theo, Chủ tịch Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng nhấn mạnh mỗi thắng lợi của đất nước không thể tách rời sự đóng góp hiệu quả, to lớn của đội ngũ trí thức, các chuyên gia, nhà khoa học. Gắn bó với ngành hơn 40 năm, chứng kiến sự trưởng thành của nền khoa học và công nghệ nước nhà, ông Xuân Dũng ghi nhận đóng góp của ngành trong công cuộc xây dựng và phát triển, bảo vệ đất nước. Các nhà khoa học Việt Nam đã tạo nên những sản phẩm mang thương hiệu Việt làm rạng danh đất nước, không chỉ rút ngắn khoảng cách với các nước tiên tiến trên thế giới mà còn tạo nên thứ bậc ngày càng cao và có uy tín trên thế giới.
Cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ, ông Dũng cho biết lực lượng trí thức cũng ngày càng lớn mạnh. Hiện Liên hiệp Hội Việt Nam thu hút được khoảng 3,7 triệu hội viên, trong đó có khoảng trên 2,2 triệu trí thức, chiếm khoảng 32,5% số trí thức trong cả nước. Theo ông, phát triển bất cứ một lĩnh vực nào, đặc biệt với lĩnh vực khoa học và công nghệ cần có nhân lực tốt và đầu tư tốt. “Nguồn nhân lực thời gian vừa qua đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về chất lượng và số lượng”, ông nói. Ông kiến nghị tiếp tục tin tưởng trí thức hơn nữa, hãy trao cho họ dũng khí dám nói, dám nghĩ, dám làm và dám hành động hơn nữa.
Sau ông Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Hoàng Minh Cường cho biết địa phương bứt tốc nhờ đổi mới sáng tạo. Ông cho hay Hải Phòng tăng trưởng kinh tế đạt 10,34%, 9 năm liền đạt tốc độ tăng trưởng hai con số; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt kết quả lịch sử với hơn 3,6 tỷ USD. Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) tăng khoảng 14%, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đạt 45%, tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 59%; Kinh tế số đạt 29,48% GRDP, đứng thứ 4 cả nước.
Theo lãnh đạo thành phố, Hải Phòng luôn nằm trong top đầu các tỉnh, thành phố về các chỉ số như năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải cách hành chính (PAR), đặc biệt, Hải Phòng đạt 52,32 điểm, đứng thứ 3 cả nước sau Thủ đô Hà Nội và TP HCM về chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII). “Đạt được những thành tựu chung đó có sự đóng góp quan trọng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”, ông Hoàng Minh Cường nói.
Phát biểu kế tiếp, PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân, Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển sinh học nông nghiệp tiên tiến, trường Đại học Nguyễn Tất Thành dẫn báo cáo tổ chức Liên hiệp quốc, số lượng phụ nữ theo đuổi sự nghiệp khoa học đang dần tăng lên trên toàn cầu. Nhưng sự tiến bộ này vẫn còn rất hạn chế chỉ có 18% tỷ lệ nhà khoa học nữ giới giữ vai trò lãnh đạo cấp cao ở châu u và chỉ 12% thành viên của các học viện khoa học quốc gia trên toàn cầu là phụ nữ. Tại Việt Nam, số lượng phụ nữ tham gia vào hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ ngày một tăng, chiếm khoảng 46% tổng số nhân lực nghiên cứu phát triển của cả nước. Thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ, nữ giới ngày một khẳng định được vị thế, vai trò của mình.
Song PGS Vân mong muốn lãnh đạo Đảng, nhà nước, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các bộ ban ngành sẽ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thông qua những chính sách, cơ chế thúc đẩy khuyến khích lĩnh vực khoa học và công nghệ nguồn nhân lực đội ngũ trí thức, nhà khoa học nói chung và nhà khoa học nữ nói riêng. “Thời gian tới có quỹ khoa học công nghệ dành cho các nhà khoa học nữ hay các cơ chế chính sách ưu tiên trong các lĩnh vực nghiên cứu trọng điểm của quốc gia để tạo điều kiện nhà khoa học nữ phát huy năng lực, tri thức”, bà cho hay.
Đại diện khối doanh nghiệp, ông Phạm Văn Tài, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải (Thaco) chia sẻ về chặng đường hình thành và phát triển của tập đoàn. Ông khẳng định sự lớn mạnh của tập đoàn nhờ mạnh dạn ứng dụng, đổi mới công nghệ. Những năm qua, Thaco đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, thúc đẩy phong trào sáng kiến, cải tiến trong hoạt động sản xuất và quản trị điều hành, hướng đến xây dựng mô hình nhà máy thông minh.
Ông Tài cho hay sáng kiến khoa học giúp doanh nghiệp tiết kiệm 70 tỷ đồng mỗi năm. Minh chứng, ông nói mỗi năm Thaco thực hiện hơn 200 đề tài sáng kiến và hơn 2.000 cải tiến (kaizen) trong sản xuất. Riêng năm 2023 có hơn 3.500 sáng kiến, cải tiến được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, tiết kiệm hơn 70 tỷ đồng, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh mang lại giá trị công nghệ và kinh tế cao. “Với doanh nghiệp, hoạt động đổi mới sáng tạo là quá trình nghiên cứu, phát triển, làm mới sản phẩm, thay đổi quy trình, công nghệ hoặc mô hình sản xuất kinh doanh, tạo ra nhiều lợi ích và đóng góp cho xã hội những giá trị cao hơn”.
Xen giữa mỗi phần chương trình là tiết mục nghệ thuật tái hiện chặng đường phát triển ngành khoa học và công nghệ, trải qua nhiều khó khăn và thử thách nhưng luôn sẵn sàng đón đầu những xu hướng công nghệ hiện đại để hấp thụ, chuyển giao và ứng dụng.
Phần cuối là lễ vinh danh hai nhà khoa học được Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2024, cả khán phòng đồng loạt vỗ tay khi tên PGS.TS Trần Mạnh Trí và TS Nguyễn Thị Kim Thanh được xướng lên. Hai nhà khoa học được tôn vinh vì có nghiên cứu xuất sắc trong lĩnh vực hoá học và vật lý.
PGS.TS Trần Mạnh Trí, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội được trao giải thưởng qua cụm ba công trình được công bố trên các tạp chí khoa học thuộc top 5% hàng đầu thế giới trong các ngành kỹ thuật môi trường, độc học, sức khỏe và đột biến gen – góp phần giải quyết vấn đề cấp bách mang tính toàn cầu hiện nay là ô nhiễm môi trường do sự phát tán của các hóa chất tổng hợp.
TS Nguyễn Thị Kim Thanh, Viện Vật lý, Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam được trao giải thưởng qua một công trình được công bố trên Tạp chí Physical Review Letters, là tạp chí khoa học hàng đầu thế giới của ngành Vật lý. Công trình thể hiện 3 kết quả đột phá về hướng nghiên cứu, có ý nghĩa quan trọng cho phát triển công nghệ máy tính lượng tử. GS Kiselev (đồng tác giả của công trình) nói ý tưởng của TS Kim Thanh là một kiệt tác tao nhã về vật lý hiện đại.
Trong bài phát biểu, TS Thanh cho biết chị rất bất ngờ khi được trao giải thưởng danh giá Tạ Quang Bửu, minh chứng cho tình yêu vật lý dành cho chị. Chị nhiều lần nghẹn lời khi nhắc về những ngày mới bước vào nghiên cứu. Chị nhớ lại khoảng thời gian nghiên cứu tại Pháp, từng nói với một người bạn nước ngoài nếu chị có bài đăng trên Physical Review Letters, chị sẽ bỏ nghiên cứu vật lý, vì ước mơ của chị khi đạt được rồi sẽ muốn sống mãi với ước mơ ngọt ngào đó. “Giấc mơ năm nào đã thành hiện thực, tuy nhiên tôi vẫn tiếp tục nghiên cứu vật lý chứ không ngủ vùi như từng nghĩ trước kia. Tôi nhận ra có nhiều vấn đề để nghiên cứu và sẽ luôn sẵn sàng giúp đỡ các bạn trẻ nếu muốn dành tình yêu cho vật lý”, TS Thanh nói và nhắn nhủ các bạn trẻ hãy sống vì đam mê vì khi đó sẽ được đền đáp xứng đáng.
Trong bài phát biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá sự kiện kỷ niệm có ý nghĩa đặc biệt. Ông chúc mừng hai nhà khoa học được giải, cho rằng đây là những tấm gương của các nhà khoa học thể hiện sự cống hiến, đam mê, hy sinh và trân trọng đối với khoa học. Đây cũng là dịp nhìn lại sự hình thành và phát triển của ngành khoa học, tri ân sự cống hiến của bao thế hệ nhà khoa học cho sự nghiệp phát triển đất nước.
Người đứng đầu Chính phủ ghi nhận khoa học công nghệ có những đóng góp quan trọng trong mỗi giai đoạn, thời kỳ lịch sử. Theo đó khoa học và công nghệ hiện diện trong các công trình lớn của quốc gia như Thủy điện Hòa Bình, Thủy điện Sơn La hay Lai Châu… “đều là nhờ các nhà khoa học dám dấn thân thực hiện cùng sự đóng góp của nhiều người”. Vừa qua, Việt Nam tự thực hiện làm cầu Mỹ Thuận 2 từ khâu thực hiện, giám sát và có được cây cầu to, đẹp, rẻ và tiết kiệm thời gian hơn. Tất cả đều nhờ khoa học giúp Việt Nam đến gần hơn với mục tiêu. Theo Thủ tướng, sự quyết tâm của các nhà khoa học, sự quản lý của các lãnh đạo giúp “biến cái không thể thành có thể”, “biến khó thành dễ”…
Người đứng đầu Chính phủ cũng nhắc kết quả trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản và ứng dụng cũng có sự đóng góp của khoa học công nghệ nhằm nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường, giúp hòa nhập quốc tế. Nhìn lại quá trình phát triển của đất nước, 5 bài học được rút ra là kiên trì, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, sức mạnh của nhân dân và sự lãnh đạo của Đảng. Các bài học kinh nghiệm rút ra đều có sự đóng góp của các nhà khoa học, xã hội và nhân văn.
Ghi nhận ngành khoa học, công nghệ đạt nhiều thành quả, Thủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế “nhận thức về khoa học chưa đầy đủ, nhất là khoa học xã hội và nhân văn, sự phát triển chưa tương xứng với tầm vóc; cơ chế quản lý còn chưa phù hợp, chưa có cơ chế xứng đáng giữ chân nhân tài…”. Bên cạnh đó, đầu tư còn hạn hẹp, thị trường khoa học công nghệ phát triển còn chậm; cơ chế thương mại hóa còn hạn chế…
Ông mong các nhà khoa học chủ động đề xuất thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực với các cơ quan nhà nước để có nguồn lực thực hiện nghiên cứu. Các cơ quan ban ngành cần có cơ chế chính sách, hạ tầng chiến lược thông suốt, quản trị thông minh, đổi mới sáng tạo là nền tảng.
Lãnh đạo Chính phủ cho rằng, nếu tài nguyên thiên nhiên hữu hạn thì khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo là vô hạn. Phát triển nhân lực gắn với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực thúc đẩy tăng trưởng, có ý nghĩa sống còn để bứt phá. Do đó, cần xây dựng cơ chế phát triển khoa học công nghệ, đầu tư thích đáng cho hạ tầng khoa học; nâng cao chất lượng nhân lực, nhất là khoa học xã hội nhân văn, đặc biệt chú ý đến nhà khoa học trẻ, nhà khoa học nữ, những người ở vùng sâu vùng xa; tăng cường thu hút đầu tư vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; tập trung phát triển thị trường khoa học công nghệ.
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu các Bộ ngành địa phương cần kiên trì đề ra các giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo, các chính sách ưu đãi tôn vinh, trọng dụng, khuyến khích họ dấn thân trong khoa học; khuyến khích sự đóng góp của các nhà khoa học trong và ngoài nước. Đối với các nhà khoa học cần đặt lợi ích của quốc gia lên trên hết, với những trọng trách lớn, dám hy sinh, chấp nhận rủi ro.
Khép lại chương trình, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng là định hướng quan trọng với sự phát triển của ngành Khoa học và Công nghệ trong thời gian tới. Bộ trưởng gửi lời cảm ơn tới Thủ tướng vì đã đánh giá cao, ghi nhận vai trò của khoa học công nghệ trong phát triển đất nước nhanh và bền vững. Ông cho biết, Bộ sẽ quyết liệt thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng với 6 nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới và khắc phục những yếu kém của ngành.
Nguồn: VnExpress