Mặc dù đã được đề cập đến trong vòng năm năm qua nhưng hiện tại, tình trạng khan hiếm nhân lực của ngành hạt nhân ngày một gia tăng. Điều đó cho thấy, việc duy trì sự phát triển của ngành, và qua đó, đóng góp cho xã hội, là một thách thức
Vào tháng 11 vừa qua, buổi gặp mặt chia tay giáo sư Đào Tiến Khoa, một trong những gương mặt đầu đàn của ngành hạt nhân, khi ông nghỉ hưu, đã trở thành một cuộc trao đổi về tình trạng nguồn nhân lực của ngành. Ai cũng nhận thấy hiện nay, xu hướng chọn ngành, chọn nghề của xã hội đã trở nên khác trước, vì vậy ngành KH&CN nói chung và ngành hạt nhân nói riêng, ngày một khó tuyển được người giỏi. Có cách biệt rất rõ ràng giữa thế hệ sau và thế hệ trước trong cách nghĩ. “Thế hệ tôi thời đó rất mừng là được nối nghiệp các bậc đàn anh như giáo sư Cao Chi, giáo sư Phạm Duy Hiển … Lúc đó chúng tôi ngây thơ, lúc nào cũng nghĩ là học xong là làm việc phục vụ đất nước và được nối nghiệp là may mắn … Còn bây giờ không phải dễ để nói với các bạn trẻ về niềm đam mê khổ hạnh làm khoa học bởi dù đời sống xã hội đã khá lên nhưng đời sống của cán bộ trong ngành vẫn còn khó khăn”, giáo sư Đào Tiến Khoa nói. Có mặt tại buổi gặp gỡ, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định cũng không khỏi ưu tư “Bây giờ có xu thế là các bạn trẻ không muốn vào khoa học bởi làm khoa học thật sự rất khó và vất vả nhưng thu nhập không bằng nhiều ngành nghề khác”.
Vấn đề ấy, một lần nữa, lại được nêu ra giữa cuộc họp tổng kết công tác năm 2022 của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Viện NLNTVN), diễn ra vào ngày 27/12/2022. Có lẽ, niềm vui về một năm vượt trội cả về số lượng công bố quốc tế và tổng doanh thu sản xuất, dịch vụ (tăng 10%) cũng như hoàn thành nhiều đề tài có nhiều ý nghĩa khác không làm giảm đi nỗi lo lắng về một tương lai ngày một hao hụt nguồn nhân lực, khi những lớp cán bộ lớn tuổi lần lượt nghỉ hưu nhưng không kịp bổ sung các cán bộ trẻ có đam mê và năng lực. Đó là bài toán lớn mà Viện NLNTVN đang phải đối mặt, nếu muốn có thêm nhiều đóng góp cho đời sống kinh tế xã hội trong tương lai.
Một hiện trạng ngổn ngang
Câu chuyện về nguồn nhân lực của ngành NLNT không là chuyện diễn ra trong một ngày. Từ khi chương trình phát triển điện hạt nhân với việc xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận dừng thực hiện vào năm 2016, kinh phí Nhà nước dành cho đào tạo nguồn nhân lực từ kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhân lực quản lý nhà nước, R&D và hỗ trợ kỹ thuật đến năm 2020 phục vụ phát triển điện hạt nhân theo Quyết định 1756/QĐ-TTg năm 2015 đã không còn. “Chúng tôi cảm thấy rõ là sự quan tâm và ủng hộ của cộng đồng chung cũng như giới quản lý với ngành có phần giảm đi từ năm 2016, khi chúng ta tạm dừng chương trình phát triển điện hạt nhân. Có thể là mọi người cho rằng đã làm vật lý hạt nhân là làm điện hạt nhân…”, giáo sư Đào Tiến Khoa từng phát biểu như vậy trong cuộc họp tổng kết của Viện NLNTVN vào hai năm trước.
Việc không còn nhận được hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực của ngành NLNT diễn ra trong bối cảnh ngành KH&CN không còn là sự lựa chọn của thế hệ trẻ. Khi chọn nghề, hầu như các bạn trẻ đều hướng đến những ngành nghề hấp dẫn như tài chính, ngân hàng, máy tính, viễn thông …, không chỉ vì cơ hội việc làm sẵn sàng mà vì sức hút của thu nhập. Ngược lại, các công việc trong ngành KH&CN lại đòi hỏi rất nhiều thời gian và cần đầu tư nhiều công sức nhưng rất ít cơ hội có được thu nhập cao. Đó là lý do các lĩnh vực KH&CN, đặc biệt là NLNT, đang đứng trước thách thức về nhân lực bổ sung. “Từ năm 2016 đến nay, Việt Nam không có kinh phí đào tạo nguồn nhân lực cho ngành NLNT, trong khi số cán bộ chuyên gia giỏi ngày càng ít hơn do đến độ tuổi nghỉ hưu và các học sinh khá giỏi các môn tự nhiên theo học ngành hạt nhân lại vô cùng hiếm hoi. Điều này đã dẫn đến tình trạng là đội ngũ chuyên gia giỏi của ngành đang giảm đi nhanh chóng”, báo cáo tổng kết của Viện NLNTVN năm 2022 cũng đề cập đến tình hình này.
Mặt khác, với những người yêu nghề, chọn con đường ở lại với ngành, cũng đối mặt với không ít thách thức. Kể từ năm 2016, tất cả các hoạt động nghiên cứu, hợp tác quốc tế cũng như đào tạo cán bộ cho ngành NLNT đã bị dừng lại. Điều này dẫn tới hệ quả là các nhóm nghiên cứu về công nghệ điện hạt nhân, an toàn hạt nhân, vật lý hạt nhân … của Viện tuy có trình độ cao nhưng chưa được phê duyệt các nhiệm vụ nghiên cứu tương xứng để nâng cao năng lực và giữ cán bộ giỏi, báo cáo tổng kết cũng dẫn ra như vậy.
Trong kinh tế, có nhiều cách áp dụng để kích cầu là tăng cường quảng bá, chứng tỏ cho khách hàng thấy được sự thuận tiện hoặc ích lợi lớn lao mà sản phẩm mang lại. Tuy nhiên, cách làm này không khả thi với ngành NLNT, bởi “niềm vui khổ hạnh” của người làm nghiên cứu khi làm ra cái mới – như cách ví của giáo sư Đào Tiến Khoa, giờ không còn hấp dẫn xã hội. Bên cạnh đó, thu nhập của ngành lại thấp hơn so với mặt bằng chung của xã hội. Thêm vào đó, thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng đang hướng về những hoạt động khác (4.0, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp) mà hầu như không chú trọng đến các lĩnh vực khoa học nền tảng (Toán, Lý, Hóa, Sinh …). Do vậy, không chỉ các bạn trẻ có năng lực không còn mặn mà với khoa học mà ngay xã hội cũng không nhận thức được là muốn thúc đẩy đổi mới sáng tạo hay khởi nghiệp cũng cần có khoa học cơ bản làm nền tảng.
Quả thật, thách thức chồng thách thức. Báo cáo tổng kết năm cũng nêu “cho dù Viện NLNTVN đã cố gắng tạo mọi điều kiện đến mức tối đa cho các cán bộ nghiên cứu nhưng đã bắt đầu có hiện tượng các cán bộ (trẻ) giỏi chuyển công tác tới các đơn vị ngoài có mức lương cao hơn”.
Liệu có phải tất cả những cách thức có thể giữ chân người làm khoa học của ngành NLNT đều đã thất bại? Vậy tương lai của ngành sẽ là gì?
Ở đâu, giải pháp?
Khi nói đến ngành NLNT, người ta thường chỉ nghĩ đến điện hạt nhân. Nhưng thực ra, phổ ứng dụng của NLNT rộng hơn nhiều so với tưởng tượng thông thường, đó là khả năng có thể tham gia giải quyết rất nhiều bài toán hóc búa ở nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội như nông nghiệp, công nghiệp, môi trường, y học, chiếu xạ hàng hóa, kiểm dịch hoa quả xuất khẩu… Các giải pháp mà ngành NLNT đưa ra đã được chứng thực trong hàng thập kỷ qua, với nhiều quốc gia tiên tiến lẫn đang phát triển. Trên thế giới, vai trò NLNT ngày càng được nhấn mạnh trong giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, xử lý chất thải nhựa, sản xuất dược chất phóng xạ chữa các bệnh ung thư… “Tôi nhận thấy, những ứng dụng của NLNT rất phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc”, TS. Nguyễn Việt Hùng (Văn phòng Chính phủ), nhận xét.
Có một điều thực sự trái ngược là tuy có nhiều lời giải cho các bài toán kinh tế xã hội nhưng NLNT lại không thể tự hóa giải được tình huống khó khăn của mình. Trong thời gian qua, các nhà quản lý của Viện NLNTVN đã vận dụng rất nhiều cách để tìm cách tháo gỡ nút thắt cổ chai này nhưng hầu như không hiệu quả. Sau nhiều nỗ lực bất thành, họ mới chịu chấp nhận một thực tế là việc giải quyết vấn đề này nằm ngoài khả năng của mình.
Chưa khi nào ngành NLNT “khát” chính sách như hiện nay. Việc thiếu một chính sách tổng thể và dài hạn về ngành khiến cho việc khai thác những lợi ích từ ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong nhiều lĩnh vực đã bị hạn chế ít nhiều và nguồn lực con người cứ bị hao hụt dần. Những thay đổi về chính sách một cách đột ngột và thiếu đi những chính sách hỗ trợ kịp thời đã ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn nhân lực của ngành. Trong giai đoạn triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Việt Nam đã gửi đi đào tạo nước ngoài khoảng gần 500 cán bộ. Khi hoàn tất quá trình đào tạo, những cán bộ này về làm việc tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các công ty khác trong ngành điện lực. “Họ đảm trách những công việc khác không thực sự phù hợp với chuyên môn đã được đào tạo trong khi chỉ có khoảng chưa đến 20 người trong số này về làm việc tại Viện NLNTVN bởi chế độ lương của Viện thấp hơn nhiều so với EVN. Đây là một sự lãng phí nguồn lực. Điều này cũng trái ngược với kinh nghiệm quốc tế”, TS. Trần Chí Thành nói và dẫn ra lời TS. Khaled Toukan, Chủ tịch Viện NLNT Jordan, đã chia sẻ kinh nghiệm trong buổi làm việc vào tháng 11/2022 với Viện NLNTVN “Ngành hạt nhân có hai đặc điểm quan trọng, đó là phải tập trung đào tạo nguồn nhân lực và trọng dụng họ, và xây dựng năng lực tự có (nội tại). Vì đối với một đất nước, ngành hạt nhân không thể là ‘hộp đen’, chỉ khi có năng lực nội tại thì mới đảm bảo được an toàn và xử lý được các vấn đề phát sinh”.
Những giải pháp trước mắt
Được nêu lên trong phiên họp tổng kết năm của Viện NLNTVN, vấn đề nguồn nhân lực không chỉ là nỗi lo xa xôi mà hiển hiện theo những dự án trọng điểm đang được xúc tiến của viện: những con người tương xứng với những hệ thống cơ sở vật chất quan trọng trong tương lai. Đó là dự án Trung tâm Nghiên cứu KH&CN hạt nhân quốc gia; dự án Xây dựng Mạng Quan trắc phóng xạ quốc gia để cảnh báo cũng như hỗ trợ kỹ thuật về bảo đảm an toàn, an ninh và bảo vệ môi trường cho phát triển điện hạt nhân; dự án nâng cấp các hệ thống công nghệ và thiết bị chức năng và đặc biệt là bổ sung nhiên liệu lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt để đảm bảo lò phản ứng tiếp tục hoạt động hiệu quả và an toàn tối thiểu thêm khoảng 10 năm đến sau năm 2030.
Triển khai dự án cần con người và khi đi vào vận hành, những nơi này cũng cần con người đủ năng lực, trong khi “ở giai đoạn 5-7 năm vừa qua, Việt Nam không triển khai bất kỳ chương trình đào tạo nhân lực nào cho ngành hạt nhân theo chương trình Nhà nước”, TS. Trần Chí Thành nói.
Nếu Nhà nước không có chính sách khuyến khích, và không có các chương trình đào tạo chuyên gia để đào tạo nâng cao, bổ sung cán bộ có năng lực cho ngành, thì chắc chắn 5-10 năm sau, ngành NLNT của Việt Nam sẽ suy yếu và khó có thể phát triển, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội.
TS. Trần Chí Thành
|
Một phương án giải quyết đã được Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Trần Văn Nghĩa (Bộ KH&CN) gợi ý tại cuộc họp. “Qua trao đổi về vấn đề đào tạo đội ngũ cán bộ, tôi thấy vấn đề này của Viện có thể gắn với việc mà Bộ KH&CN đang tiến hành. Hiện nay, Bộ KH&CN đang triển khai đề án Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực KH&CN ở trong nước và nước ngoài bằng ngân sách nhà nước. Xét về mục tiêu của Viện có nhiều điểm tương đồng với đề án này”.
Đó có phải là một giải pháp phù hợp với ngành NLNT? Mặc dù có nhiều điểm tương đồng nhưng giữa mục tiêu đào tạo của ngành hạt nhân và đề án này lại hoàn toàn khác biệt. Nguyên nhân là đề án này được thiết kế chủ yếu cho việc đào tạo các cán bộ quản lý khoa học trong khi mục tiêu của ngành hạt nhân khác biệt hơn nhiều, đó là đào tạo người làm khoa học, trong đó chủ yếu là cử những cán bộ có năng lực, trẻ đi làm việc, nghiên cứu tại các cơ sở nghiên cứu hàng đầu về hạt nhân ở các nước tiên tiến. “Viện NLNTVN có mối quan hệ hợp tác với nhiều cơ sở nghiên cứu hàng đầu trên thế giới. Nhưng muốn gửi người sang bên đó làm việc thì phải có kinh phí đi lại và trả lương cho cán bộ”, TS. Trần Chí Thành nêu khó khăn.
Có thể trong một thời gian ngắn, không ai có thể tháo gỡ được tất cả những khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, tia sáng cuối đường hầm đã bắt đầu ló rạng. Chia sẻ những vấn đề mà ngành hạt nhân đang phải đối mặt, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho rằng “Nhân lực ngành hạt nhân đang ngày có nguy cơ suy yếu. Sắp tới đây, khi Trung tâm Nghiên cứu KH&CN hạt nhân đi vào hoạt động, và cả những định hướng phát triển khác mà các chuyên gia ngày một lớn tuổi, không bổ sung kịp thời, đến lúc đó mới lo bổ sung đội ngũ thì tôi e sẽ không kịp. Vì vậy, Viện NLNTVN cần báo cáo cụ thể và rõ ràng về vấn đề đào tạo NLNT và giải pháp đảm bảo lực lượng hoạt động trong thời gian tới để Bộ có thể xem xét. Nếu báo cáo này đủ sức thuyết phục thì chúng ta có đề án đào tạo nhân lực, đào tạo đội ngũ chuyên gia đầu đàn trong lĩnh vực này”.
Nếu thành hiện thực, có thể đây sẽ là cơ hội mà cả ngành hạt nhân đang chờ mong.
Viện Liên hợp hạt nhân Dubna là một nơi vô cùng tiềm năng, có hai lò phản ứng hạt nhân, máy gia tốc phục vụ cho nghiên cứu hạt nhân cơ bản cũng như ứng dụng. Nếu chúng ta khai thác được để phát triển thì đây là bước tiến lớn trong khoa học. Việc tổ chức khai thác tốt và hiệu quả việc hợp tác với Dubna không chỉ là nhiệm vụ của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam mà còn cả nước.
Năm 2023 Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam có 9 hồ sơ gửi sang Dubna, trong đó có nhóm tham gia khai thác kênh trên lò phản ứng IBR2, cụ thể về tán xạ neutron góc nhỏ, nhiễu xạ neutron. Nếu làm việc 5 – 7 năm ở đây, khi trở về các bạn sẽ là chuyên gia và cầu nối Việt Nam với Dubna và nhiều quốc gia khác.
GS. Lê Hồng Khiêm, Viện Vật lý, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam
|
Nguồn: Thanh Nhàn (khoahocphattrien.vn)