Ngày 28/5/2024, tại Trung tâm Đánh giá không phá hủy (NDE) đã tiến hành tổ chức Hội thảo khoa học “Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học của đội ngũ cán bộ trẻ tại Trung tâm Đánh giá không phá hủy”. Đây là hội thảo nằm trong chuỗi các hoạt động nhằm chào mừng ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam, kỷ niệm 65 năm thành lập Bộ KH&CN và chuẩn bị cho Hội nghị KH&CN hạt nhân cán bộ trẻ ngành Năng lượng nguyên tử lần thứ 8 tại Trung tâm NDE.

Tham dự buổi hội thảo có đại diện Hội đồng Khoa học công nghệ và Đào tạo của Trung tâm: Ông Đào Duy Dũng. Về phía Trung tâm NDE có: ThS. Đặng Thị Thu Hồng – Phó Giám đốc phụ trách, ThS. Nguyễn Thế Mẫn – Phó Giám đốc, đại diện lãnh đạo các phòng ban, các cán bộ chuyên môn và các báo cáo viên có bài tham dự hội thảo.

ThS. Đặng Thị Thu Hồng – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm phát biểu chào mừng tại buổi hội thảo

Mở đầu buổi hội thảo, ThS. Đặng Thị Thu Hồng – Phó Giám đốc phụ trách thay mặt Ban lãnh đạo Trung tâm ghi nhận và biểu dương những kết quả đã đạt được trong thời gian qua của đội ngũ cán bộ trẻ tại Trung tâm. Qua đây, mong muốn các hoạt động KH&CN ngày càng phát triển và các kết quả nghiên cứu có tính ứng dụng gắn liền với thực tiễn góp phần vào sự phát triển chung của ngành.

Báo cáo đầu tiên tham dự hội thảo trình bày về “Nghiên cứu các đặc trưng của kỹ thuật điện thế thấp nhằm phát hiện và xác định vị trí thấm của lớp phủ trên nền bê tông” trong khuôn khổ đề tài cấp Cơ sở do ThS. Đinh Quốc Đạt trình bày. Báo cáo đã nêu rõ các đặc trưng của kỹ thuật điện thế thấp, từ đó xây dựng mô hình thiết bị đo tại phòng thí nghiệm và quy trình áp dụng phương pháp với đối tượng là lớp phủ không dẫn điện trên nền bê tông theo sơ đồ quét ngang và đứng. Qua đó, mở ra hướng ứng dụng trong phát hiện và định vị vị trí thấm trong lớp phủ cách điện trên nền dẫn điện nhằm đánh giá một trong những đặc tính quan trọng trong đảm bảo chất lượng của lớp phủ chống thấm kết cấu công trình.

ThS. Đinh Quốc Đạt trình bày báo cáo tại hội thảo

Báo cáo thứ hai tham dự Hội thảo trình bày về “Xây dựng chương trình đào tạo phương pháp kiểm tra siêu âm cho đối tượng vật đúc thép cacbon phù hợp với yêu cầu của tài liệu số SNT-TC-1A” trong khuôn khổ đề tài cấp Cơ sở do CN. Nguyễn Minh Đức đại diện nhóm nghiên cứu trình bày. Bài báo cáo đã làm rõ các công việc đã triển khai thực hiện theo đúng tiến độ đề ra. Đồng thời, cũng thông qua kế hoạch thực hiện các nội dung tiếp theo nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm nghiên cứu phục vụ nhu cầu đào tạo, nghiên cứu và triển khai thực tế phương pháp UT cho đối tượng vật đúc thép cacbon.

CN. Nguyễn Minh Đức trình bày báo cáo tại hội thảo

Tiếp đến, CN. Nguyễn Thị Mỹ Hạnh tham dự Hội thảo với bài Báo cáo về “Đánh giá chất lượng cánh bơm đúc từ hợp kim thép không gỉ austenitic bằng phương pháp siêu âm”. Nghiên cứu đã đánh giá chất lượng dựa theo yêu cầu kiểm soát chất lượng với các khảo sát đặc tính truyền âm của vật liệu và bước đầu cho thấy giá trị sử dụng phù hợp với đối tượng. Từ đó mở ra hướng ứng dụng kết quả vào trong thực tế kiểm tra, đánh giá chất lượng cánh bơm đúc từ hợp kim thép không gỉ austenitic.

CN. Nguyễn Thị Mỹ Hạnh trình bày báo cáo tại hội thảo

Ngoài 03 báo cáo viên là các cán bộ trẻ đang công tác tại Trung tâm NDE tham gia hội thảo còn có 02 báo cáo viên trẻ đến từ Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội hiện đang là sinh viên thực tập tại Trung tâm NDE. 02 bài báo cáo nằm trong khuôn khổ nội dung luận án tốt nghiệp với sự hướng dẫn của ThS. Nguyễn Tiến Phong cán bộ đang công tác tại Trung tâm NDE, gồm: Báo cáo “Xác định hệ số tương đương với thép của vật liệu thép siêu hai pha bằng việc sử dụng Cobalt-60” do sinh viên Lê Trung Kiên trình bày và báo cáo “Tính toán che chắn đảm bảo an toàn bức xạ cho phòng chụp ảnh công nghiệp sử dụng nguồn Cobalt-60” do sinh viên Đoàn Quỳnh Trang trình bày.

Sau từng bài báo cáo, các đại biểu tham dự Hội thảo đã đưa ra nhiều trao đổi, góp ý cùng làm rõ hướng nghiên cứu, kết quả đạt được và thảo luận đối với định hướng phát triển chuyên môn sâu của từng báo cáo viên. Qua đó, đề ra các giải pháp và phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới đối với công tác nghiên cứu khoa học và triển khai tại Trung tâm.

Kết thúc hội thảo, ban lãnh đạo Trung tâm và các cán bộ chủ chốt nhất trí đưa 05 bài báo cáo đăng ký tham dự Hội nghị KH&CN hạt nhân cán bộ trẻ ngành Năng lượng nguyên tử lần thứ 8. Đồng thời, thông qua buổi hội thảo ban lãnh đạo Trung tâm cũng mong muốn hoạt động nghiên cứu của các cán bộ trẻ tại Trung tâm ngày càng phát triển, kết quả nghiên cứu thiết thực có tính ứng dụng trong lĩnh vực kiểm tra không phá hủy và ngành năng lượng nguyên tử.

Bộ phận Quản lý Khoa học công nghệ