Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Tham dự Hội nghị có: ông Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN); ông Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ KH&CN; Lãnh đạo Viện NLNTVN và các đơn vị trực thuộc; Đại diện Cục An toàn bức xạ và hạt nhân; Đại diện Cục Năng lượng nguyên tử; Đại diện các vụ chức năng; Đại diện cán bộ công chức, viên chức của các đơn vị trực thuộc Viện NLNTVN. Hội nghị cũng vinh dự được đón tiếp ông Sergei Tanakov, Tham tán Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam; Các giáo sư và chuyên gia đầu ngành năng lượng nguyên tử như GS.TSKH. Trần Hữu Phát, GS.TS. Phạm Duy Hiển, GS.TS. Trần Đức Thiệp, GS.TS. Đào Tiến Khoa, GS.TS. Mai Trọng Khoa, GS.TS. Phan Đình Tuấn,…; Đại diện của các cơ quan, viện nghiên cứu và các trường đại học đang hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử của Việt Nam.
Toàn cảnh Hội nghị
Bộ KH&CN sẽ cùng Viện NLNTVN thúc đẩy Dự án RCNEST
Một trong những vấn đề quan trọng và thu hút được sự chú ý của Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2021 của Viện NLNTVN là Dự án Trung tâm Nghiên cứu khoa học và công nghệ hạt nhân (RCNEST).
Viện NLNTVN triển khai Dự án RCNEST trên cơ sở Hiệp định liên Chính phủ giữa Việt Nam và Liên bang Nga đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 75/QĐ-TTg ngày 19/11/2018 và điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 15/5/2020. Hiện nay, Dự án đang trong giai đoạn thu xếp nguồn vốn thực hiện Nghiên cứu khả thi (FS). Tại Lễ tổng kết, các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành NLNT, vật lý, hóa học, Y học hạt nhân như GS.TSKH. Trần Hữu Phát, GS.TS. Phạm Duy Hiển, GS.TS. Đào Tiến Khoa, GS.TS. Mai Trọng Khoa, GS.TS. Trần Đức Thiệp đã phát biểu khẳng định sự đóng góp rất quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của ngành NLNTVN nói chung và Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt trong những năm qua và bày tỏ tâm huyết, sự quan tâm và mong muốn Trung tâm RCNEST sớm đi vào hoạt động.
Những kỳ tích đạt được (trong quá trình khôi phục, mở rộng công suất, vận hành đạt thông số tới hạn, đảm bảo an toàn tuyệt đối trong suốt 36 năm qua, sản xuất dược chất phóng xạ với giá thành thấp nhất v.v…) tại lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt đã cho thấy Việt Nam đã hoàn toàn có thể làm chủ được các vấn đề của khoa học – công nghệ hạt nhân trong sản xuất các loại dược chất phóng xạ thay thế nhập khẩu, đáp ứng cho các nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Hiện nay, dây chuyền sản xuất dược chất phóng xạ tại lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt đã được Bộ Y tế cấp chứng chỉ GMP kèm theo visa lưu hành.
Trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0, ngoài vai trò không thể thiếu trong chẩn đoán và chữa trị các bệnh hiểm nghèo cho người dân, các sản phẩm đồng vị phóng xạ từ lò phản ứng hạt nhân còn đóng vai trò quyết định trong nhiều lĩnh vực quan trọng khác, như: Chiếu xạ phục vụ xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp; xác thực chất lượng và truy xuất nguồn gốc lương thực, thực phẩm; đánh giá không phá hủy; đánh giá tài nguyên nước; nghiên cứu địa chất thủy văn, địa chất công trình; bảo vệ môi trường; v.v…
Theo ý kiến của GS.TS. Mai Trọng Khoa, ở Việt Nam, thị trường ứng dụng các sản phẩm của lò phản ứng hạt nhân được dự báo tăng nhanh trong thời gian tới. Dịch bệnh COVID-19 đã cho thấy, ở Việt Nam, hàng năm có hàng vạn người dân nghèo bị ung thư đã có được cơ hội sống do chúng ta đã tự sản xuất được một dược chất – đồng vị phóng xạ từ lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt. Trong y khoa, hàng chục loại dược chất – đồng vị phóng xạ khác nhau đang được sử dụng để chẩn đoán và chữa trị rất nhiều bệnh hiểm nghèo khác. Cũng có thể nói, ở Việt Nam, còn rất nhiều bệnh nhân nghèo chưa có cơ hội được cứu sống vì chúng ta còn đang phải nhập khẩu với giá rất cao các loại dược chất đồng vị phóng xạ khác mà lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt chưa kịp sản xuất.
Theo đánh giá của các nhà khoa học, lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt xứng đáng là một trong số các công trình KHCN xếp hàng đầu của năm 2020 ở Việt Nam. GS.TS. Phạm Duy Hiển – một trong những người phụ trách dự án Khôi phục lò phản ứng nghiên cứu Đà Lạt hơn 40 năm trước, cho rằng: “Cái giá phải trả cho mỗi năm kéo dài tiến độ của dự án lò phản ứng hạt nhân Đồng Nai là không thể tính bằng tiền, mà tiến độ này hoàn toàn phụ thuộc vào các cơ quan quản lý nhà nước”. Ông hy vọng, các dược chất phóng xạ “Made in Đồng Nai” sẽ sớm ra đời để mang lại cơ hội được cứu sống cho hàng triệu người dân nghèo, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững hơn nữa các ngành nông nghiệp và công nghiệp của Việt Nam.
Ông Sergei Tanakov, Tham tán Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam cũng bày tỏ hy vọng trong năm 2021 với sự hỗ trợ từ Liên bang Nga, Viện NLNTVN sẽ tiếp tục phát triển, cụ thể là thúc đẩy dự án RCNEST. Ông khẳng định lập trường Liên bang Nga trước sau như một sẽ ủng hộ Việt Nam nghiên cứu, sử dụng NLNT vì mục đích hòa bình và bày tỏ mong muốn sự hợp tác giữa Liên bang Nga và Việt Nam sẽ đưa Trung tâm Nghiên cứu khoa học và công nghệ hạt nhân sẽ trở thành Trung tâm nghiên cứu hàng đầu của Đông Nam Á.
Ghi nhận những phát biểu tâm huyết của các chuyên gia, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho rằng, sẽ cùng với Viện tháo gỡ những khó khăn vướng mắc đang gặp phải để thúc đẩy dự án Trung tâm RCNEST. Bộ trưởng nhận xét, sau nhiều năm chuẩn bị cho dự án RCNEST, Viện NLNTVN đã hội tụ được nhiều năng lực và nhân lực để có thể đảm trách công việc này. Trong thời gian sắp tới, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu rằng sẽ cùng Ban Lãnh đạo Bộ KH&CN sát cánh với Viện NLNTVN xem xét, bàn thảo để đi đến tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, thúc đẩy tiến triển dự án một cách nhanh nhất.
Phát huy những thành quả của năm 2020
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cũng đánh giá cao những nỗ lực đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của Viện NLNTVN trong thời gian qua trên nhiều phương diện: hoạt động nghiên cứu, triển khai và dịch vụ.
Cụ thể như sau:
– Trong năm 2020, mặc dù gặp những khó khăn do dịch Covid-19 nhưng Viện NLNTVN vẫn tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học cũng như thúc đẩy ứng dụng, sản xuất, dịch vụ. Số lượng công bố quốc tế của Viện tiếp tục tăng lên, trong năm 2020 toàn Viện có 91 công trình (trong đó 68 bài đăng trên tạp chí quốc tế ISI có chỉ số ảnh hưởng – Impact Factor cao), tăng lên khoảng 28% so với năm 2019 (có 71 công trình quốc tế, 57 công trình ISI), và tăng gấp hơn 3 lần so với năm 2016. Nhiều công trình nghiên cứu của các cán bộ trong Viện đã được công bố ở các tạp chí quốc tế có uy tín như Physical Review Letters, Physics Letters B, Physical Review C, Physical Review D, Nuclear Physics A, Nuclear Science and Engineering, Nuclear Engineering and Design, Nuclear Engineering and Technology, Journal of Environmental Management, Polymer, …
Kết quả công bố quốc tế 5 năm qua của Viện NLNTVN
– Doanh thu sản xuất dịch vụ trong toàn Viện năm 2020 tiếp tục tăng lên so với 2019 (liên tục tăng trong suốt thời kỳ 2016-2020), đạt ước tính khoảng 319,86 tỷ đồng, bao gồm các lĩnh vực: sản xuất dược chất phóng xạ, dịch vụ chiếu xạ, dịch vụ an toàn bức xạ, kiểm tra đánh giá không phá huỷ, dịch vụ phân tích, đánh giá môi trường, đào tạo nhân lực…
– Sản xuất dược chất phóng xạ đáp ứng toàn bộ nhu cầu trong nước cho chẩn đoán và điều trị ung thư trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và không nhập khẩu được dược chất từ nước ngoài (do không có các chuyến bay). Lò hạt nhân Đà Lạt năm 2020 đã vận hành gần 4300 giờ, tăng 48% so với năm 2019 (gấp 3 lần so với trung bình trong giai đoạn 2010-2019) để sản xuất dược chất phóng xạ, đáp ứng nhu cầu (80-100%, thời điểm Quý II đáp ứng 100%). Viện đã cung cấp hơn 1.300 Ci các loại đồng vị phóng xạ, trong đó 977 Ci sản xuất trên lò phản ứng Đà Lạt (tăng gần 2 lần so với giai đoạn 2015-2019) và xuất khẩu được 6,0 Ci sang Campuchia để giúp nước bạn dùng trong các cơ sở y học hạt nhân. Để đạt được kết quả này, đội ngũ cán bộ vận hành lò đã nỗ lực với các sáng kiến cải tiến kỹ thuật, phân tích và tính toán lại, đưa ra các quy trình sản xuất đồng vị mới. Điều này chứng minh Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ các vấn đề về khoa học, kỹ thuật và công nghệ để sản xuất các loại dược chất cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu khi có lò nghiên cứu mới. Bên cạnh đó, dây chuyền sản xuất dược chất tại lò hạt nhân Đà Lạt đã nâng cấp (với kinh phí tự có) để lần đầu tiên có được chứng chỉ GMP của Bộ Y tế (tháng 6/2020) và visa lưu hành dược chất phóng xạ (trước đây chỉ có giấy phép và xin thủ tục gia hạn hàng năm). Kết quả vận hành lò liên tục để sản xuất dược chất đáp ứng nhu cầu trong nước cũng là kết quả cao nhất từ trước đến nay, kể từ khi bắt đầu vận hành lại lò Đà Lạt ngày 20/03/1984. Đặc biệt, giá thành dược chất từ lò Đà Lạt chỉ khoảng ¼ giá dược chất nhập khẩu, đã thực sự hỗ trợ tốt cho những bệnh nhân bị ung thư.
– Chiếu xạ kiểm dịch phục vụ xuất khẩu hàng hoá tiếp tục giữ vai trò quan trọng và tăng lên trong năm 2020, trong đó dây chuyền chiếu xạ Đà Nẵng tiếp tục vận hành tốt phục vụ chiếu xạ xuất khẩu. Đặc biệt, 2 trung tâm trực thuộc Viện là Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội và Trung tâm Nghiên cứu và Triển khai công nghệ bức xạ đã hỗ trợ, chia sẻ cùng đất nước bị ảnh hưởng của dịch bệnh chưa có tiền lệ như: Chiếu xạ miễn phí các dụng cụ y tế và khẩu trang kháng khuẩn, thiết bị bảo hộ… bên cạnh việc vận hành an toàn và tăng thời lượng chiếu phục vụ xuất khẩu các mặt hàng xuất khẩu góp phần vào nguồn thu ngoại tệ cho đất nước trong bối cảnh thế giới cách ly trên diện rộng tại một số thời điểm.
– Đẩy mạnh hợp tác với Ấn Độ trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, đặc biệt chú trọng việc mua nguồn Cobalt-60 cho Việt Nam từ Ấn Độ. Phối hợp giữa hai bên trong việc sử dụng tàu quân sự Ấn Độ để vận chuyển thành công nguồn Cobalt-60 về Việt Nam cho các đơn vị trực thuộc Viện.
– Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội đã nâng cấp dây chuyền sản xuất dược chất và đã nhận được chứng chỉ GMP của Bộ Y tế cho phép sử dụng dược chất FDG-18 phục vụ chẩn đoán ung thư ở các bệnh viện khu vực Hà Nội.
– Đẩy mạnh việc đưa kỹ thuật hạt nhân đánh giá không phá huỷ vào các công trình công nghiệp, doanh số dịch vụ và đào tạo của lĩnh vực này tiếp tục tăng lên trong năm 2020. Trong lĩnh vực này, Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp đã triển khai thành công kỹ thuật hạt nhân và tiếp tục cung cấp dịch vụ khảo sát thành phần thép carbon trong mối hàn thép không gỉ của dự án xây dựng nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) sau khi sự số nổ đường ống trong khi nhà máy vận hành thử chưa tìm được phương pháp và kỹ thuật đáp ứng để tìm ra nguyên nhân mặc dù đã thuê các đối tác quốc tế. Việc này đã làm lợi cho nhà máy hàng chục tỷ đồng do nhà máy có giá trị khoảng 9 tỷ USD, nếu chậm hoạt động 1 tháng là thiệt hại hàng chục triệu USD.
– Thực hiện tốt các đề tài cấp Nhà nước thuộc Chương trình KC.05/16-20. Trong đó có những đề tài quan trọng như tính toán phát tán phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc (sự cố giả định) trong môi trường không khí và môi trường biển; nghiên cứu tính toán để mở kênh nghiên cứu mới tại lò phản ứng Đà Lạt; chế tạo thành công buồng Gamma cho Viện Di truyền nông nghiệp, chế tạo các dược chất phóng xạ mới phục vụ điều trị ung thư.
– Bắt đầu triển khai ứng dụng sản phẩm công nghệ bức xạ và vi lượng đất hiếm trong nông nghiệp hữu cơ (triển khai tại Quảng Ninh, Thái Nguyên, Quãng Ngãi, Cà Mau), đạt một số kết quả khả quan.
– Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp đã trúng thầu Quốc tế, đã và đang thực hiện Hợp đồng “Cung cấp nhân lực, thiết bị, chất đánh dấu khảo sát khí condensate mỏ Sư tử trắng” với Công ty Liên doanh Điều hành Cửu Long (CLJOC). Hợp đồng này kéo dài trong 2 năm, được thực hiện từ tháng 10/2020.
– Các hoạt động sản xuất và dịch vụ khác của các đơn vị trực thuộc Viện như đo kiểm soát liều cá nhân, đào tạo cấp chứng chỉ an toàn bức xạ, chuẩn và kiểm tra kiểm định chất lượng thiết bị, kiểm tra và chuẩn liều các máy xạ trị, phân tích mẫu… đã được triển khai tốt và góp phần đưa ứng dụng NLNT vào phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
– Triển khai Dự án Trung tâm Nghiên cứu khoa học và công nghệ hạt nhân (RCNEST) trên cơ sở Hiệp định liên Chính phủ giữa Việt Nam và Liên bang Nga đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 75/QĐ-TTg ngày 19/11/2018 và điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 15/5/2020. Hiện nay, Dự án đang trong giai đoạn thu xếp nguồn vốn thực hiện Nghiên cứu khả thi (FS).
– Tiếp tục xây dựng dự án Mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia. Đến nay Mạng lưới đã dần được hình thành, đã lắp đặt đưa vào vận hành và quản lý mạng lưới quan trắc phóng xạ bao gồm 11 trạm thuộc khu vực miền Bắc và Bắc Trung Bộ (bao gồm các tỉnh Móng Cái, Bãi Cháy, Lạng Sơn, Hà Nội, Hải Phòng, Đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), Cao Bằng, Lào Cai, Sơn La, Nghệ An, Đà Nẵng) và 01 Trung tâm điều hành (tại Hà Nội) thông qua các dự án tăng cường năng lực nghiên cứu, dự án tăng cường trang thiết bị, sản phẩm từ đề tài thuộc Chương trình KC.05, nhiệm vụ môi trường, nhiệm vụ/đề tài cấp Bộ và viện trợ từ các tổ chức quốc tế. Viện đã bước đầu xây dựng được một đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn sâu, chuyên nghiệp trong lĩnh vực quan trắc phóng xạ và đánh giá tác động môi trường. Hiện nay, Viện đang cùng với Cục An toàn bức xạ và hạt nhân thực hiện dự án trang bị các thiết bị đo phóng xạ trong môi trường khí và môi trường nước do Liên minh Châu Âu tài trợ.
Để có thể đạt được những kết quả thành công ngoài mong đợi trong tình hình khó khăn như năm 2020 vừa qua do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19, toàn thể cán bộ, viên chức và người lao động của Viện NLNTVN đã nỗ lực phấn đấu để nâng cao trình độ chuyên môn và tích cực triển khai tốt các ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và đồng vị phóng xạ vào các lĩnh vực khác nhau để phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Phó Viện trưởng Trần Ngọc Toàn trình bày Báo cáo tóm tắt Tổng kết công tác năm 2020 và phát động Thi đua năm 2021 trong toàn Viện NLNTVN
Nhân dịp này, TS. Phạm Quang Minh, Phó Viện trưởng trình bày kết quả họp của Hội đồng thi đua khen thưởng của Viện NLNTVN đã xem xét và công nhận 181 cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 80 danh hiệu Chiến sỹ Thi đua cấp cơ sở và 30 tập thể được công nhận “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Viện đã có văn bản đề nghị Bộ KH&CN xem xét khen tặng Viện NLNTVN và 07 tập thể thuộc Viện đạt danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”, tặng Bằng khen của Bộ trưởng cho 22 cá nhân và 02 tập thể thuộc Viện NLNTVN; tặng danh hiệu Chiến sỹ Thi đua cấp Bộ cho 01 cá nhân, tặng Cờ thi đua của Bộ KH&CN cho 04 tập thể.
Nhằm động viên và khích lệ tinh thần nghiên cứu khoa học, hàng năm Viện NLNTVN đều thành lập Hội đồng xét thưởng các công trình công bố quốc tế của các cán bộ trong Viện. Năm nay, Hội đồng đã xét trao thưởng cho 20 công trình nghiên cứu khoa học đạt giải A, 19 công trình đạt giải B và 13 công trình đạt giải C.
Ngoài ra, Viện trưởng Viện NLNTVN quyết định tặng Giấy khen và khen thưởng cho 02 tập thể nổi bật là:
– Trung tâm Nghiên cứu và Điều chế đồng vị phóng xạ thuộc Viện NCHN Đà Lạt, do đã nỗ lực đảm bảo cung cấp đủ dược chất phóng xạ cho chẩn đoán và điều trị ung thư trên toàn quốc.
– Trung tâm Quan trắc phóng xạ và Đánh giá tác động môi trường thuộc Viện KH&KTHN, do đã nỗ lực xây dựng và quản lý vận hành Mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia bảo đảm kịp thời phát hiện diễn biến bất thường về bức xạ trên lãnh thổ Việt Nam.
Và 02 cá nhân có thành tích tiêu biểu trong năm 2020 là:
– Ông Nguyễn Văn Tích, cán bộ thuộc Trung tâm Đánh giá không phá hủy (NDE), do đã có thành tích đặc biệt trong lĩnh vực triển khai ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và đào tạo NDT trong năm vừa qua.
– Ông Trần Ngọc Vượng, Giám đốc Trung tâm Triển khai công nghệ thuộc Viện Công nghệ Xạ hiếm, do đã có nỗ lực đáng ghi nhận trong công tác chỉ đạo đơn vị sản xuất sản phẩm kẽm nhằm đưa các ứng dụng khoa học kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế xã hội.
Ông Sergei Tanakov, Tham tán Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam phát biểu tại Hội nghị
Viện trưởng Trần Chí Thành báo cáo tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2021 của Viện NLNTVN
Tại Hội nghị, TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện NLNTVN đã trình bày kết quả nghiên cứu, triển khai và ứng dụng của Viện NLNTVN trong 5 năm vừa qua với các hướng nghiên cứu chính: Nghiên cứu Vật lý hạt nhân; Quan trắc phóng xạ và mô phỏng phát tán; Thuỷ văn đồng vị, Truy xuất nguồn gốc; Công nghệ hóa học, Monasite và Ilmenite; Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và công nghệ bức xạ trong các ngành: Y tế: sản xuất dược chất phóng xạ. Viện trưởng Trần Chí Thành nhấn mạnh, Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt đã được khai thác rất hiệu quả trong 5 năm gần đây, đưa Việt Nam trở thành tự chủ trong cung cấp dược chất để chẩn đoán và điều trị ung thư (đặc biệt là năm 2020). Lò đã vận hành lò 4300 giờ năm 2020, so với 2900 giờ năm 2019, 2200 giờ năm 2018, hoặc 1400 giờ từ 2017 về trước. Tổng sản lượng Ci và doanh thu từ dược chất phóng xạ được chiếu trên lò tăng liên tục trong 5 năm gần đây. Cụ thể năm 2016 sản xuất được 208 Ci và 192 Ci nguyên liệu nhập ngoại với doanh thu chỉ 13.2 tỷ đồng. Đến năm 2020 đã sản xuất được 977 Ci và nhập ngoại 323 Ci với doanh thu tăng lên tới 45,9 tỷ đồng.
Sản xuất dược chất phóng xạ 2016-2020
Về doanh thu trong 5 năm qua, năm 2016 toàn Viện đạt doanh thu 186,6 tỷ đồng, năm 2017 là 221 tỷ đồng, năm 2018 là 282,9 tỷ đồng, năm 2019 là 315,3 tỷ đồng và với năm 2020 tuy là trong bối cảnh khó khăn của tình hình dịch bệnh Covid-19 tác động tiêu cực tới các ngành nghề khác của Việt Nam cũng như của Thế giới, nhưng các hoạt động triển khai kỹ thuật, sản xuất và dịch vụ của các đơn vị trong Viện NLNTVN có kết quả tốt, đạt tổng mức doanh thu ước tính là 319,86 tỷ đồng (do một số đơn vị chưa thống kê hết doanh thu tháng 12). So với năm 2019, tuy dịch vụ sản xuất các sản phẩm kẽm bị sụt giảm do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, nhưng doanh thu của một số lĩnh vực khác lại tăng lên.
Viện trưởng Trần Chí Thành đã đưa ra Định hướng trong thời gian tới của Viện NLNTVN là: Tiếp tục thúc đẩy Dự án Trung tâm Nghiên cứu khoa học và công nghệ hạt nhân (RCNEST); Đưa hệ thống quan trắc và cảnh báo phóng xạ vào hoạt động; Xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh; Tiếp tục đẩy mạnh công bố quốc tế; Đánh giá và củng cố an toàn lò hạt nhân nghiên cứu Đà Lạt, mua thêm nhiên liệu, tiếp tục vận hành ít nhất thêm 10 năm; Đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và công nghệ bức xạ trong các lĩnh vực: Y tế, công nghiệp, nông nghiệp, tài nguyên môi trường; Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng tại Đơn vị ứng dụng bức xạ Đà Nẵng đang trực thuộc Vinagamma (Tp. Hồ Chí Minh): Chiếu xạ phục vụ xuất khẩu, ứng dụng trong công, nông nghiệp; Vật lý hạt nhân; Y học hạt nhân; Phóng xạ môi trường biển (góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo); Đánh giá ô nhiễm, bảo vệ môi trường …
Với dự án xây dựng Trung tâm RCNEST, Viện trưởng Trần Chí Thành nhấn mạnh rằng đây là dự án lớn của ngành KH&CN, của ngành hạt nhân Việt Nam (sau 40 năm kể từ khi bắt đầu khôi phục lò Đà Lạt năm 1979). Dự án Trung tâm RCNEST với lò nghiên cứu mới 10 MWt là tương lai của ngành hạt nhân trong khoảng 50-70 năm tiếp theo. Việc xây dựng thành công Trung tâm sẽ đưa ngành hạt nhân phát triển lên tầm cao mới, thúc đẩy mạnh mẽ nghiên cứu, ứng dụng và đóng góp tốt cho phát triển kinh tế xã hội.
Viện trưởng Trần Chí Thành trích dẫn câu nói của nhà bác học nổi tiếng Albert Einstein: “Sự bí ẩn vĩnh hằng của thế giới chính là điều lớn lao nhất mà chúng ta có thể hiểu…Việc con người có thể tìm hiểu về thế giới chính là điều kỳ diệu” để thể hiện quyết tâm của toàn thể cán bộ, viên chức Viện NLNTVN tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và triển khai trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử để đạt được nhiều kết quả tốt trong những năm tới.
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2021, Viện NLNTVN cũng đã đưa ra chủ đề phấn đấu của năm 2021 là: “Nỗ lực thúc đẩy Dự án Trung tâm Nghiên cứu KH&CN hạt nhân – Vì tương lai của ngành năng lượng nguyên tử” (Effortfully promote the RCNEST project – For atomic energy future). Lò nghiên cứu mới trong dự án Trung tâm RCNEST là tương lai của ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam trong 50-70 năm tiếp theo, và năm 2021 sẽ là năm tiếp nối năm 2020, toàn Viện NLNTVN quyết tâm thực hiện đẩy mạnh nhiệm vụ nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực, cán bộ đầu đàn cho triển khai xây dựng và khai thác lò nghiên cứu mới./.
Nguồn: Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam