Kiểm tra không phá hủy (Non-Destructive Testing – NDT) là phương pháp phát hiện các khuyết tật bên trong hoặc bề mặt của các vật kiểm tra mà không làm tổn hại đến khả năng hoạt động của chúng sau này. Các phương pháp NDT đóng vai trò quan trọng trong các chương trình đảm bảo và kiểm soát chất lượng sản phẩm, được sử dụng trong tất cả các công đoạn của quá trình chế tạo và vòng đời sản phẩm.

Ở Việt Nam, NDT đã được đưa vào ứng dụng từ những năm 60 của thế kỷ XX. Cùng với sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước, các công nghệ và kỹ thuật NDT từ truyền thống đến hiện đại trên thế giới đã được đưa vào và ứng dụng phổ biến trong tất cả các ngành công nghiệp trọng điểm của quốc gia. Hiện nay, NDT đã trở thành một nghề không còn xa lạ trong xã hội và đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng của mỗi công trình.

Các phương pháp kiểm tra không phá hủy (NDT)

Các phương pháp kiểm tra không phá hủy phổ biến bao gồm: Kiểm tra phát xạ âm (AE), kiểm tra điện từ trường (ET), kiểm tra rò rỉ (LT), kiểm tra chụp ảnh hồng ngoại (IR), kiểm tra từ trường dò (ML), kiểm tra hạt từ (MT), kiểm tra chụp ảnh Nơ tron (NR), kiểm tra thẩm thấu (PT), kiểm tra chụp ảnh phóng xạ (RT), kiểm tra siêu âm (UT), kiểm tra trực quan (VT) và kiểm tra phân tích rung động (VR).

Ngày nay, với sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật, công nghệ các phương pháp mới và các phương pháp kỹ thuật cao cũng được phát triển và đưa vào ứng dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp. Các phương pháp mới được phát triển nhằm tăng khả năng phát hiện khuyết tật, tăng khả năng kiểm tra mà các phương pháp thông thường không thể kiểm tra được, bao gồm: Kiểm tra siêu âm mảng pha (PAUT), kiểm tra nhiễu xạ âm theo thời gian truyền (TOFD), chụp ảnh phóng xạ kỹ thuật số (CR), kiểm tra từ trường dò (MFL), kiểm tra ống trao đổi nhiệt (ECT/RFT/MFL/NFT/IRIS), kiểm tra dòng xoáy xung (PEC), kiểm tra Long Range UT (LRUT), kiểm tra laser, kiểm tra đâm xuyên rada, soi gamma truyền qua (GAMMA COLUMN SCANING) và chụp cắt lớp điện toán (CT).

Lịch sử hình thành lĩnh vực NDT tại Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam

Năm 1986, Phòng Kiểm tra không phá hủy trực thuộc Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân được thành lập. Đây là đơn vị nghiên cứu và triển khai đầu tiên trong lĩnh vực NDT tại Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (NLNTVN).

Năm 1987, Phòng Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp trực thuộc Trung tâm Hạt nhân Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập.

Năm 2004, Trung tâm Kiểm tra không phá hủy và kỹ thuật hạt nhân trực thuộc Công ty Ứng dụng và Phát triển công nghệ (NEAD) được thành lập.

Tháng 4/2007, Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp (CANTI) được thành lập trên cơ sở tách từ ra từ Viện Nghiên cứu hạt nhân trực thuộc Viện NLNTVN. Trung tâm được thành lập với mục đích nghiên cứu và ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp. Ngoài lĩnh vực đánh dấu là thế mạnh của Trung tâm, Trung tâm CANTI cũng đã nghiên cứu và phát triển nhiều kỹ thuận liên quan đến NDT.

Tháng 9/2008, Trung tâm Đánh giá không phá hủy (NDE) được thành lập trên cơ sở hợp nhất 03 đơn vị có triển khai các hoạt động trong lĩnh vực NDT đã thành lập trước đó trực thuộc Viện NLNTVN. Trung tâm được thành lập với mục đích nghiên cứu và triển khai các kỹ thuật NDT hướng tới việc đảm bảo chất lượng công trình, đặc biệt là các công trình trọng điểm quốc gia và các nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam.

Hoạt động nghiên cứu và triển khai NDT của Trung tâm NDE

Trải qua hơn 10 năm phát triển với nguồn lực được trang bị thông qua các dự án đầu tư trong nước (Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương…) và các dự án hợp tác quốc tế (VIE, TC, RAS), Trung tâm NDE đã thiết lập được phòng thí nghiệm với hệ thống trang thiết bị đồng bộ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong công tác kiểm tra lắp đặt, bảo dưỡng tại Việt Nam. Đội ngũ nhân lực được đào tạo thông qua các chương trình hợp tác quốc tế với các tổ chức như Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA); tổ chức NDT của Ấn Độ (Bhabha) và của Nhật Bản (JINDT); Viện KINS (Hàn Quốc)…kết hợp với các khóa đào tạo, chứng nhận trình độ chuyên môn cao tại Việt Nam và quốc tế trong lĩnh vực hàn, NDT.

Hiện nay, Trung tâm NDE là đơn vị hàng đầu tại Việt Nam trong việc nghiên cứu, phát triển và đưa vào ứng dụng các kỹ thuật NDT truyền thống đến tiên tiến trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, giao thông.

  • Hoạt động nghiên cứu

Thực hiện công tác nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực thử nghiệm, đánh giá, giám định và kiểm định chất lượng sản phẩm, công trình bằng các kỹ thuật thử nghiệm không phá hủy là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Trung tâm NDE. Trong suốt những năm qua, các hoạt động nghiên cứu của Trung tâm tập trung vào 03 hướng chính, bao gồm:

  1. Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo các thiết bị trong lĩnh vực NDT

Từ năm 2010, Trung tâm NDE đã quan tâm đến lĩnh vực nghiên cứu, chế tạo thiết bị NDT thay cho nhập khẩu thông qua các kênh đề tài nghiên cứu từ cấp cơ sở đến cấp bộ hay cấp nhà nước. Trên thực tế, thông qua hình thức nghiên cứu và phát triển dưới dạng đề tài KH&CN, các sản phẩm nội địa hóa này đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động NDT cũng như từng bước làm chủ công nghệ trong việc bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị, hướng tới chế tạo, sản xuất hàng loạt cung cấp cho thị trường. Trong quá trình thực hiện các đề tài liên quan đến chế tạo thiết bị, Trung tâm NDE đã thu được rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm cũng như nâng cao năng lực cơ sở vật chất phục vụ cho việc gia công chế tạo trong các lĩnh vực như: kỹ thuật điện, điện tử, điều khiển tự động, gia công cơ khí.

  1. Kiểm tra, đánh giá vật liệu, đảm bảo an toàn, chất lượng, nâng cao tuổi thọ công trình bằng các phương pháp NDT

Trong những năm qua, các hoạt động nghiên cứu cải tiến, ứng dụng các phương pháp mới, tiên tiến trong lĩnh vực NDT ngày càng được đẩy mạnh, nâng cao. Các nghiên cứu này cho thấy sự khả thi vào các công tác kiểm tra NDT.

Một vài nghiên cứu được đánh giá cao như “Ứng dụng kiểm tra không phá hủy phát hiện ăn mòn dưới lớp cách nhiệt trên đường ống dầu khí tại Việt Nam”. Kết quả của nghiên cứu này giúp cho các nhân viên NDT tiếp cận và làm chủ thiết bị, công nghệ tiên tiến, chủ động trong kiểm tra, kiểm soát ăn mòn trong ngành dầu khí cũng như ngành công nghiệp khác.

Hướng dẫn kiểm tra Siêu âm mảng điều pha PAUT tại Nhà máy Nhiệt điện Sơn Động và Dòng xoáy xung PEC trên mẫu ống tại Trung tâm NDE

 

Ngoài ra, các nghiên cứu khác đang được triển khai thực hiện như “Nghiên cứu, xây dựng Chương trình kiểm tra bảo dưỡng đường ống hơi chính trong các nhà máy nhiệt điện”. Kết quả của nghiên cứu này khi được áp dụng có thể đánh giá được tuổi thọ vận hành của các đường ống hơi, đảm bảo vận hành an toàn và tiết kiệm được nhiều chi phí khi phát hiện được sớm các vấn đề bên trong đường ống.

Kiểm tra NDT tại đường ống hơi chính nhà máy nhiệt điện Mông Dương 2

 

  1. Xây dựng năng lực Phòng thí nghiệm và Hệ thống quản lý chất lượng

Bên cạnh việc nghiên cứu và phát triển các kỹ thuật trong lĩnh vực NDT thì công việc quản lý chất lượng và nâng cao năng lực cũng được chú trọng thông qua việc triển khai các đề tài nghiên cứu. Một số nghiên cứu tiêu biểu gồm:

+ Nghiên cứu, phát triển Hệ thống chất lượng (HTCL) Đào tạo Kỹ thuật viên NDT theo ISO 9001:2015 trong đó phát triển Chương trình đào tạo theo ISO/TR 25107:2008, hướng đến phiên bản 2019 và cơ sở đào tạo theo ISO/TR 25108:2018;

+ Xây dựng HTCL cho hoạt động kiểm tra, thử nhiệm theo tiêu chuẩn ISO 17025; giám định theo ISO 17020; HTCL cho bình bồn nồi hơi áp lực theo tiêu chuẩn ASME.

 

Trung tâm Đánh giá không phá hủy làm việc với Công ty SGS đánh giá năng lực của cơ sở triển khai dịch vụ

 

  • Hoạt động triển khai
  1. Cung cấp dịch vụ đào tạo; Đánh giá; Cấp chứng nhận mọi bậc trình độ chuyên môn trong lĩnh vực NDT (các phương pháp NDT truyền thống và tiên tiến) và giám sát chất lượng hàn, an toàn bức xạ công nghiệp, ngoại ngữ chuyên ngành, tư vấn xây dựng hệ thống cơ sở NDT, phù hợp theo tiêu chuẩn quốc tế và quy định của luật pháp Việt Nam.

Số liệu tổng hợp về các khóa đào tạo NDT bậc I, II

Năm Số lượng khóa đào tạo Số lượng chứng chỉ Số lượng học viên được đánh giá
2009 35 220 167
2010 40 245 230
2011 47 444 338
2012 48 539 314
2013 57 495 301
2014 52 524 339
2015 79 380 320
2016 87 482 410
2017 94 506 468
2018 82 406 218
2019 84 438 268
2020 89 525 330
2021 62 470 270
  1. Cung cấp dịch vụ NDT bằng các phương pháp truyền thống và công nghệ cao phục vụ các chương trình và yêu cầu đảm bảo và kiểm soát chất lượng cho các dự án chế tạo, lắp đặt cũng như duy tu, bảo dưỡng trong các ngành công nghiệp: sản xuất năng lượng (nhiệt điện, thủy điện, phong điện, hạt nhân); dầu khí; hóa chất; kết cấu xây dựng (cầu cảng, nhà xưởng, thiết bị nâng hạ…), giao thông, vv…

Nắm bắt được các yêu cầu đặt ra đối với công tác kiểm tra, bảo dưỡng, tập thể cán bộ và đội ngũ kỹ thuật của Trung tâm NDE đã có nhiều nỗ lực trong việc đề ra các biện pháp, sáng kiến trong việc triển khai các chương trình kiểm tra, bảo dưỡng các công trình, nhà máy, đặc biệt cho các nhà máy nhiệt điện tại Việt Nam.

  • Thực hiện kiểm tra không phá hủy hệ thống đường ống áp lực lò hơi và các thiết bị phụ trợ nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 2 công suất 1200 MW;
  • Thực hiện kiểm tra không phá hủy cho hệ thống đường ống áp lực lò hơi các tổ máy 330 MW, 300 MW nhà máy Nhiệt điện Uông Bí;
  • Thực hiện kiểm tra không phá hủy cho hệ thống đường ống áp lực lò hơi nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1 công suất 600 MW;
  • Thực hiện kiểm tra hệ thống ống trong các bình ngưng tại Nhiệt điện BOT Phú Mỹ 3 công suất 716,8 MW,…

Kiểm tra Siêu âm mảng điều pha (PAUT) ống lò hơi tổ máy số 1 – Nhiệt điện Mông Dương II (hình bên trái); Kiểm tra Siêu âm cáp Dự án cáp treo Bà Nà (hình bên phải)

 

  1. Một số hoạt động triển khai khác
    • Thực hiện dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị, công cụ kiểm tra NDT, đồng thời thực hiện các công việc bảo trì, sửa chữa, phục hồi các thiết bị liên quan.
    • Cung cấp chuyên gia, cán bộ kỹ thuật trong lĩnh vực kiểm tra đánh giá không phá huỷ, thợ hàn, thanh tra hàn và các lĩnh vực khoa học kỹ thuật khác;
    • Tư vấn chuyển giao công nghệ và đầu tư trong lĩnh vực kiểm tra, đánh giá không phá huỷ, năng lượng hạt nhân, công nghệ bức xạ;
    • Tư vấn đấu thầu, lập hồ sơ đấu thầu; giám sát việc cung cấp, lắp đặt vật tư, trang thiết bị khoa học công nghệ.

Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng của Trung tâm CANTI trong lĩnh vực kiểm tra không phá huỷ

  • Hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ

Công tác nghiên cứu, ứng dụng trong lĩnh vực khảo sát, đánh giá tình trạng hoạt động của các cấu kiện trong hệ thống công nghiệp, các công trình đê, đập bằng các kỹ thuật không phá hủy là một trong những nhiệm vụ của Trung tâm CANTI. Trong những năm qua, hoạt động nghiên cứu khoa học của Trung tâm trong lĩnh vực NDT tập trung vào 4 hướng nghiên cứu chính sau:

1. Soi gamma 

Từ năm 1997, khi còn là một đơn vị thuộc Viện Nghiên cứu hạt nhân, sau khi biết được Nhà nước có kế hoạch phát triển công nghệ chế biến dầu khí với Nhà máy lọc dầu đầu tiên sẽ được ra đời tại Dung Quất, Trung tâm đã tập trung nghiên cứu và nhận chuyển giao công nghệ từ nước ngoài thông qua các khóa đào tạo, huấn luyện và tiếp nhận chuyên gia của IAEA. Với đề tài đầu tiên trong lĩnh vực này ở cấp cơ sở, Trung tâm CANTI đã triển khai nghiên cứu và ứng dụng thành công trong việc soi tháp hấp thụ tại Nhà máy supe phốt phát Long Thành. Trên cơ sở kết quả của đề tài này bằng nguồn kinh phí tự có và kinh phí của đề tài cấp cơ sở tiếp theo, Trung tâm CANTI đã làm chủ công nghệ. Bằng công nghệ này, Trung tâm CANTI đã tiến hành nâng cấp thiết bị nhằm tự động hóa một phần cho công nghệ soi tháp, viết phần mềm xử lý số liệu tại hiện trường và chế tạo được các thiết bị scan phù hợp với nhiều loại cấu kiện khác nhau trong hệ thống công nghiệp. Hiện nay, Trung tâm CANTI là đơn vị duy nhất trong cả nước đã làm chủ được công nghệ và thiết bị (GAMMA COLUMN SCANING).

2. Kiểm tra rò rỉ (LT)

Kỹ thuật đánh dấu là hướng nghiên cứu, ứng dụng chính của Trung tâm CANTI, có thể nói Trung tâm CANTI là đơn vị duy nhất của Việt Nam có năng lực này. Trong nhiều năm qua, Trung tâm CANTI đã tiến hành đánh dấu khảo sát hầu hết các mỏ dầu trên thềm lục địa Việt Nam và cả những mỏ dầu ở Trung Đông như tại Kuwait và Iran. Trong những năm gần đây, Trung tâm CANTI tập trung nghiên cứu xác định rò rỉ trong hệ thống công nghiệp và công trình đập thủy điện thông qua các đề tài/nhiệm vụ khoa học cấp Bộ như: “Nghiên cứu phát triển phương pháp đánh dấu kết hợp đo điện thế tự nhiên để định vị dòng rò mất nước thấm qua đê và đập” (năm 2020-2021); “Nghiên cứu phương pháp và thiết kế chế tạo thiết bị kiểm tra rò rỉ trong giếng khai thác gas-lift bằng kỹ thuật đánh dấu” (năm 2021-2022). Các kết quả nghiên cứu của các đề tài/nhiệm vụ nêu trên có rất nhiều tiềm năng để ứng dụng vào thực tiễn bởi nhu cầu của thị trường là rất lớn. Hướng nghiên cứu tiếp theo của Trung tâm CANTI là Ứng dụng kỹ thuật đánh dấu để khảo sát rò rỉ bộ trao đổi nhiệt trong các nhà máy nhiệt điện và Nhà máy Lọc-Hóa dầu. Đây cũng là hướng nghiên cứu có nhiều tiềm năng về nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước.

3. Chụp cắt lớp điện toán trong công nghiệp (CT)

Từ năm 2009 sau khi mới thành lập được vài năm, Trung tâm CANTI đã quan tâm đến lĩnh vực nghiên cứu, chế tạo thiết bị (CT) trong công nghiệp (thay vì phải nhập khẩu) để phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học và triển khai dịch vụ. Thông qua các đề tài/nhiệm vụ khoa học các cấp từ cấp cơ sở đến cấp Bộ và cấp Nhà nước, Trung tâm CANTI đã nghiên cứu thiết kế chế tạo thành công các thiết bị (CT) thế hệ thứ nhất, thế hệ thứ hai, thế hệ thứ ba và thế hệ thứ tư, thế hệ thứ tư kích thước lớn và thế hệ thứ tư kích thước nhỏ (mini CT). Thông qua hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ dưới dạng đề tài/nhiệm vụ, Trung tâm đã nội địa hóa gần 100% các sản phẩm của thiết bị, góp phần nâng cao trình độ cán bộ về kỹ thuật điện, điện tử, điều khiển tự động, gia công cơ khí, ghi đo bức xạ và phần mềm tái tạo hình ảnh. Hiện nay, Trung tâm CANTI đã làm chủ công nghệ chế tạo thiết bị (CT) trong công nghiệp và đã được IAEA tín nhiệm, cử nhiều cán bộ nghiên cứu khoa học của các nước đến Trung tâm CANTI để thực tập và thăm quan khoa học trong lĩnh vực này. Hiện nay, Trung tâm CANTI đang phối hợp với Công ty PTSC G&S tập trung nghiên cứu, thiết kế chế tạo thiết bị (CT) đường ống ngầm dưới đáy biển. Đây là một bài toán rất khó vì nó liên quan đến áp suất, kín nước cho linh kiện điện tử, điều khiển tự động bằng rôbốt, truyền cáp quang và định vị dưới nước, trên thế giới chỉ có một vài công ty làm được thiết bị này. Tuy nhiên, với kinh nghiệm hiện có trong thiết kế chế tạo thiết bị (CT) của Trung tâm CANTI cùng với đội ngũ kỹ thuật của Công ty PTSC G&S, hy vọng thiết bị (CT) cắt lớp đường ống dưới đáy biển đầu tiên của Việt Nam sẽ được ra đời, góp phần đảm bảo an toàn cho sản xuất của ngành dầu khí nước nhà.

4. Từ trường

Lĩnh vực từ trường được Trung tâm CANTI tiếp cận trong những năm gần đây nhưng đã mang lại nhiều kết quả đánh ghi nhận. Năm 2017-2018, thông qua đề tài cấp Bộ KH&CN “Nghiên cứu chế tạo thử nghiệm hệ thiết bị từ trường cảm ứng để dò tìm vị trí dòng rò qua thân đập”, Trung tâm CANTI đã nghiên cứu hoàn thiện phương pháp và thiết kế, chế tạo thành công thiết bị từ trường cảm ứng để dò tìm vị trí dòng rò qua thân đập. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực này, Trung tâm CANTI, lần đầu tiên đã nghiên cứu thành công phương pháp dò tìm thép Carbon dưới chân mối hàn thép không rỉ bằng phương pháp từ trường thông qua đề tài nghiên cứu theo đơn đặt hàng của Nhà máy Lọc-Hóa dầu Nghi Sơn. Trung tâm CANTI đã khảo sát hàng ngàn mối hàn thép không rỉ tại Nhà máy Lọc-Hóa dầu Nghi Sơn, phát hiện được nhiều mối hàn có thép Carbon giúp Nhà máy khắc phục sớm đưa vào hoạt động thương mại. Hiện nay, Trung tâm CANTI đang phối hợp với Công ty PTSC G&S tập trung nghiên cứu phương pháp và thiết kế chế tạo thiết bị kiểm tra khuyết tật trong đường ống ngầm dưới đáy biển. Đây là một bài toán rất hay và có nhiều thị trường ứng dụng trong nước với hàng ngàn km đường ống dưới đáy biển của ngành dầu khí hiện đang phải thuê nước ngoài kiểm tra hàng năm. Tuy nhiên, đó thực sự là một công nghệ cao, trên thế giới chỉ có một số công ty của Nga và Anh có được công nghệ này. Hy vọng, với kinh nghiệm và sự sáng tạo hiện có của mình, đội ngũ cán bộ của Trung tâm CANTI sẽ nghiên cứu và chế tạo thành công thiết bị đầu tiên của Việt Nam trong lĩnh vực này.

  • Hoạt động triển khai dịch vụ

1. Soi gamma: Trong những năm qua, bằng công nghệ soi gamma truyền qua có được thông qua các kết quả nghiên cứu của các đề tài khoa học các cấp, Trung tâm CANTI đã triển khai ứng dụng tại nhiều nhà máy công nghiệp mang lại hiệu quả rất lớn cho nhà máy, cụ thể là:

  • Trong những năm qua, bằng công nghệ soi gamma truyền qua có được thông qua các kết quả nghiên cứu của các đề tài khoa học các cấp, Trung tâm CANTI đã triển khai ứng dụng tại nhiều nhà máy công nghiệp mang lại hiệu quả rất lớn cho nhà máy, cụ thể là:
  • Năm 1998: Soi tháp Nhà máy condesat của Công ty dầu khí Sài Gòn;
  • Năm 2013: Đã tiến hành 2 đợt soi gamma cho tháp, đường ống dẫn dầu trong nhà máy Lọc dầu Bình Sơn, thông qua 2 hợp đồng dịch vụ số: 658-2013/HĐ/BSR-01CANTI và số: 559-2013/HĐ-BSR-01-CANTI;
  • Năm 2014: Đã tiến hành soi gamma cho tháp, đường ống dẫn dầu trong nhà máy Lọc dầu Bình Sơn, thông qua hợp đồng dịch vụ số: 469-2014/HĐ /BSR-01-CANTI;
  • Năm 2015: Đã tiến hành 4 đợt soi gamma cho tháp, đường ống dẫn dầu trong nhà máy Lọc dầu Bình Sơn, thông qua 4 hợp đồng dịch vụ số: 227-2015/HĐ/BSR-01-CANTI, 438/2015/HĐ/BSR-02-CANTI, 663-2015/HĐ/BSR-04-CANTI và 684-2015/HĐ/BSR-05-CANTI;
  • Năm 2016: Đã tiến hành 3 đợt soi gamma cho tháp, đường ống dẫn dầu trong nhà máy Lọc dầu Bình Sơn, thông qua 3 hợp đồng dịch vụ số: 172-2016/HĐ/BSR-01-CANTI, 200-2016/HĐ/BSR-02-CANTI và 469-2014/HĐ/BSR-01-CANTI;
  • Năm 2017: Đã tiến hành soi gamma kiểm tra tình trạng các van cổng trên hệ thống Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, thông qua hợp đồng dịch vụ số: 01-2017/PVNDT/CANTI;
  • Năm 2020: Đã tiến hành soi gamma cho tháp chưng cất tại Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, thông qua hợp đồng dịch vụ số: 331/220/NSRP/TECH-CANTI;
  • Năm 2022: Đã tiến hành soi gamma để kiểm tra tình trạng bên trong của tháp De-butan tại Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, thông qua hợp đồng dịch vụ số: 331/2021/NSRP.AL-CANTI.

Soi tháp tại nhà máy lọc dầu Bình Sơn bằng kỹ thuật đo Gamma truyền qua (hình trái); Soi tháp tại Nhà máy Lọc-Hóa dầu Nghi Sơn bằng kỹ thuật đo Gamma truyền qua (hình phải)

 

2. Lĩnh vực kiểm tra rò rỉ: mặc dù mới mở ra nghiên cứu những năm gần đây nhưng Trung tâm đã triển khai ứng dụng tại đập Thủy điện Đa Nhim và đập Thủy điện Đami-Hàm Thuận. Tiềm năng ứng dụng của kỹ thuật này là rất lớn, tới đây sau khi hoàn thiện công nghệ kiểm tra rò rỉ trong giếng khai thác gas-lift bằng kỹ thuật đánh dấu, hy vọng Trung tâm CANTI sẽ ứng dụng được hầu hết các giếng khai thác bằng phương pháp gas-lift tại các mỏ dầu của Việt Nam.

3. Lĩnh vực chụp cắt lớp điện toán trong công nghiệp (CT): những năm qua Trung tâm CANTI đã thiết kế, chế tạo và xuất khẩu được 08 thiết bị cho 8 nước trên thế giới. Ngoài ra, Trung tâm CANTI còn ứng dụng kỹ thuật này để CT đường ống dẫn khí của Nhà máy khí Nam Côn Sơn. Kết quả CT của công trình ứng dụng này là cơ sở để nhà máy khắc phục đảm bảo an toàn và kết quả này cũng đã được đưa vào tài liệu của IAEA để cho các nước trên thế giới tham khảo.

Trung tâm CANTI đào tạo chuyển giao công nghệ và thiết bị cho một số nước trên thế giới

 

CT đường ống dẫn khí của Nhà máy khí Nam Côn Sơn

4. Lĩnh vực từ trường: ngoài việc kết hợp với kỹ thuật đánh dấu để khảo sát rò rỉ đập nêu trên, Trung tâm CANTI còn triển khai ứng dụng tại các nhà máy trong và ngoài nước, cụ thể như sau:

  • Năm 2014: Kiểm tra các khiếm khuyết bên trong đường ống dẫn khí của Công ty Truyền tải Khí Đông Nam Bộ;
  • Năm 2016: Kiểm tra các khiếm khuyết bên trong đường ống dẫn khí của Công ty dầu khí Malaysia;
  • Năm 2016: Kiểm tra các khiếm khuyết bên trong đường ống dẫn khí của Công ty Truyền tải Khí Đông Nam Bộ.
  • Bằng các kết quả nghiên cứu của đề tài do doanh nghiệp đặt hàng Trung tâm CANTI đã tiến hành khảo sát hàng ngàn mối hàn thép không rỉ cho Nhà máy Lọc – Hóa dầu Nghi Sơn, giúp Nhà máy khắc phục sớm đưa vào hoạt động.

Thị trường NDT tại Việt Nam và trong khu vực, đang có nhu cầu rất lớn nhưng tính cạnh tranh rất cao, với các quy định ngày càng khắt khe. Tuy nhiên, hướng nghiên cứu ứng dụng NDT của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam vẫn trên đà phát triển và còn rất nhiều dư địa để phát triển, bởi các đơn vị trực thuộc Viện NLNTVN đã đi đúng hướng tập trung nghiên cứu phát triển các phương pháp mới, tiên tiến, sử dụng công nghệ cao, mang tính chất đặc thù của Viện nghiên cứu khoa học mà các công ty dịch vụ trong nước không có được nên ít bị cạnh tranh. Hy vọng trong thời gian tới, các đơn vị trực thuộc Viện NLNTVN gồm Trung tâm NDE và Trung tâm CANTI sẽ nghiên cứu, phát triển được nhiều công nghệ và thiết bị mới trong lĩnh vực kiểm tra không phá hủy để phục vụ có hiệu quả cho sản xuất công nghiệp, góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nguồn: Nguyễn Thị Thu Hà, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam