Với điểm tựa là niềm đam mê khoa học và một tâm thế rất riêng, trong suốt cuộc đời mình, giáo sư Trần Hữu Phát – nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, đã có cả một cuộc hành trình đặc biệt “từ lý thuyết không định xứ đến lý thuyết hấp dẫn Einstein”. Vượt qua không ít trở ngại của thời cuộc và khó khăn riêng có của ngành, ông đã trở thành một trong những người góp phần xây dựng ngành hạt nhân Việt Nam.
Mặc dù giáo sư Trần Hữu Phát đã thôi giữ chức viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam tròn 20 năm nay, một quãng thời gian đủ dài để đong đếm lòng người, nhưng cuộc ra mắt The path from nonlocal theory to gravity theory (Lộ trình từ lý thuyết không định xứ đến lý thuyết hấp dẫn Einstein) – cuốn kỷ yếu tập hợp 44 công trình nghiên cứu của ông trong 50 năm (1970-2020), vào sáng ngày 30/12/2020 tại trụ sở Viện NLNTVN lại quy tụ gần như đông đủ đồng nghiệp chí cốt, học trò, hậu bối trong và ngoài viện… Không ai đến dự lấy lệ, cũng chẳng ai cảm thấy miễn cưỡng đến cho “phải phép”. Có thể trong một quy mô không thời gian hữu hạn nào đó vẫn có những mối quan hệ dựa trên lợi ích vật chất nhưng trong không gian khoa học thuần túy này chỉ tồn tại những gắn bó bền chặt, cảm thông chia sẻ và niềm đam mê bất tận với nghiên cứu. Dường như ai cũng cảm thấy xúc động khi được thấy người anh, người thầy, người lãnh đạo của mình kể về hành trình khoa học và trao đổi về các hướng nghiên cứu theo đuổi trong cả cuộc đời.
Đan xen giữa những câu chuyện vật lý là các dòng chảy ký ức, các mảnh vụn vỡ của thời gian mà ở đó, đắng cay xô dạt của thời cuộc đã trôi đi, chỉ đọng lại những suy nghĩ rất thật. “Đóng góp của tôi có thể không đỉnh cao như người khác nhưng tôi thấy mình cũng có hai đóng góp, thứ nhất là xây dựng đại cục ngành hạt nhân và thứ hai là đào tạo nhân lực. Nhìn lại quãng đường nghiên cứu của mình, tôi thấy mình đã sống với đam mê. Là nhà khoa học, suốt đời vì khoa học thì chúng ta phải có niềm đam mê để vượt qua khó khăn, nếu không vượt qua được thì chúng ta sẽ lụn bại”, giáo sư Trần Hữu Phát chậm rãi chia sẻ.
Mang tư duy toán vào thế giới vật lý
Gắn bó cả sự nghiệp với vật lý lý thuyết nói riêng và ngành hạt nhân nói chung nhưng giáo sư Trần Hữu Phát lại có điểm xuất phát là một sinh viên Toán cơ. “Giáo sư Nguyễn Hoàng Phương, học trò của giáo sư Lê Văn Thiêm, là người đã dạy tôi những năm cuối cùng phổ thông cho đến năm đầu vào đại học năm 1956. Tôi còn nhớ ông nói ‘Phát ơi, theo anh thì em nên vào khoa Toán trường đại học’. Thế là tôi thi vào và đỗ ngay”.
Học toán theo lời gợi ý của thầy “em chỉ cần học đủ để không trượt, em phải dành thời gian học thêm sách”, ông không nghĩ rằng lời nói đó trở thành một nguyên tắc bất đi bất dịch trong suốt cuộc đời mình, trong bất cứ hoàn cảnh nào, ngay cả “khi bắt đầu đi dạy ở trường nông nghiệp, tôi vẫn say mê học hỏi, ngày đi dạy, tối về đọc sách. Người ta bảo ‘cậu phải gần gũi với anh em, tham gia công tác Đoàn đội, buổi tối phải chơi tú lơ khơ cùng anh em’ nhưng tôi lại thấy việc đó vô bổ, dành thời gian đọc sách còn tốt hơn nhiều”.
Mối nhân duyên với vật lý của ông cũng được nhen nhóm cũng từ giáo sư Nguyễn Hoàng Phương, cùng với giáo sư Nguyễn Đình Tứ, Dương Trọng Bái… được cử sang học tập và nghiên cứu ở Viện liên hợp hạt nhân Dubna. “Khi chuyển sang lĩnh vực vật lý, anh Phương bảo ‘Phát ơi, hay là sang vật lý’, thế là tôi bỏ toán sang vật lý. Tôi còn nhớ anh bảo ‘toán là công cụ không bao giờ bỏ được’. Đúng như thế, cả cuộc đời tôi dùng toán để lý giải các vấn đề vật lý”, giáo sư Phát nói. Từng là một học sinh chuyên toán, giáo sư Đào Tiến Khoa (Viện KH&KT hạt nhân, Viện NLNTVN) cũng chia sẻ “Rất may là anh Phát gặp được chú Phương và bác Bửu (giáo sư Tạ Quang Bửu) mà sang được vật lý. Người giỏi toán có thể làm được rất tốt nhiều vấn đề vật lý”.
Đúng là với lối tư duy logic, tường minh và thẳng thắn của người làm toán, giáo sư Trần Hữu Phát bước vào thế giới vật lý bằng một tâm thế rất riêng. Điều đó khiến ông có một góc nhìn khác biệt trong đánh giá và nhìn nhận những vấn đề đã được giải quyết. “Năm 1964, vẫn ở trường nông nghiệp nhưng tôi được giáo sư Tạ Quang Bửu cử đi học một lớp Mùa đông ở Dubna, sang đó gặp giáo sư Nguyễn Văn Hiệu, giáo sư Cao Chi… Lúc đó anh Hiệu đã viết xong luận án tiến sĩ khoa học và làm được một loạt bài báo từ ý tưởng của giáo sư Anatoly Alekseevich Logunov. Tôi mang luận án về nghiên cứu, thấy nghiên cứu va chạm của hai hạt, tính được biên độ tán xạ và tiết diện tán xạ của nó. Logunov chứng minh là trong lý thuyết trường lượng tử định xứ thì biên độ tán xạ có hai đặc điểm, một nó là hàm giải tích của năng lượng trên mặt phẳng năng lượng, thứ hai là tiến tới vô cực chậm hơn một đa thức. Anh Hiệu đã dùng tính chất thứ nhất để tính các hàm lân cận rất nổi tiếng”, ông kể. Nghiền ngẫm một công trình của đàn anh cũng là một việc thú vị vì có thể giúp ông học hỏi được rất nhiều điều. “Tôi nghĩ, mình thử thay nó bằng hàm giải tích mở rộng xem sao. Tôi học toán nên đầu tôi mới có khái niệm giải tích mở rộng thôi. Tôi không ngờ là khi tôi thay biên độ tán xạ từ hàm giải tích của anh Hiệu sang hàm giải tích mở rộng thì tôi lại chứng minh được hàng loạt định lý của anh Hiệu. Lạ quá! Bây giờ đoán nhận ý nghĩa vật lý của nó như thế nào? Tôi cho là cái định lý chứng minh của anh Hiệu để chứng minh cái tính chất đặc thù của lý thuyết cục bộ định xứ thì không phải”.
Từ suy nghĩ như vậy, giáo sư Trần Hữu Phát đã viết luôn một bài báo bằng tiếng Pháp và mang sang giáo sư Tạ Quang Bửu hỏi ý kiến và được ông chấp nhận “Tôi thấy đúng, cậu mang về viết cẩn thận rồi tớ cho in”. Ông Tạ Quang Bửu là người rất tinh tế nên hỏi luôn “thế cậu có tiền để thuê đánh máy không? Nếu không có thì cậu đến Bộ, Bộ sẽ cấp kinh phí cho cậu” (lúc đó là Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp).
Con đường đến với vật lý của ông đã được mở ra như thế, theo sáu hướng là lý thuyết không định xứ của các trường lượng tử và hạt cơ bản, lý thuyết tán xạ năng lượng cao, lý thuyết hạt nhân, lý thuyết chuyển pha, lý thuyết ngưng tụ Bose- Einstein của các khí Bose hai thành phần, lý thuyết hấp dẫn và chuyển pha holographic. Phạm vi theo đuổi của ông rất rộng, không phải ai cũng đủ sức theo những hướng rất khác nhau như thế. Ông lý giải về sự lựa chọn của mình “Tôi thích tò mò, tôi cũng không thích đứng ở một chỗ mãi. Khi có thêm các nghiên cứu sinh thì tôi nghĩ như thế này, họ là những người bước đầu đi vào khoa học, tôi cũng muốn dẫn dắt họ đi qua các khu vườn khác nhau, chứng kiến các loài hoa khác nhau, sau này họ sẽ có thể truyền thụ cho thế hệ sau”.
Nhưng thật không dễ để một nhà nghiên cứu ở Việt Nam thấy được những khu vườn khác nhau trong thế giới khoa học. Có lẽ phải sống vào thời của ông mới hiểu cái “không dễ” ấy, một trong những nguyên nhân là không có tài liệu để tham khảo. Do đó, người làm khoa học ở Việt Nam “dễ lâm vào tình trạng provincialism (chủ nghĩa tỉnh lẻ) trong nghiên cứu khoa học, tức là đi vào những đề tài quá cũ kỹ, quá xa lạ với các trào lưu chung, không còn ai quan tâm nghiên cứu nữa” như chia sẻ của giáo sư Hoàng Tụy trên Tia Sáng năm 2016. Thật may là giáo sư Trần Hữu Phát đã vượt qua được điều đó, ví dụ trong những năm cuối thập niên 1970, đầu những năm 1980, ông đã nhanh nhạy “bắt” được khuynh hướng mới của vật lý năng lượng cao là tán xạ các hạt với rất nhiều mô hình khác nhau. “Tôi nghĩ không ổn, không có sự thống nhất, phải có một cơ chế nào đó chi phối chứ. Tôi lại quay lại suy nghĩ đi từ nguyên lý tổng quát. Tôi bỏ hai tháng đọc tài liệu và tìm ra đi vào nguyên lý cơ bản lý thuyết trường lượng tử với lý thuyết nhóm tái chuẩn hóa. Trong thời gian chưa đầy 8 tháng, tôi công bố 6 bài”, ông kể. Không tự nhận những nghiên cứu là đỉnh cao nhưng giáo sư Trần Hữu Phát thẳng thắn cho rằng “nghiên cứu của mình có thể không phải nổi tiếng gì nhưng những vấn đề mình làm cũng là những gì thế giới người ta làm”.
Quan tâm đến nhiều hướng khác nhau nên ông cũng quen biết và thân thiết với nhiều nhà vật lý ở từng lĩnh vực, nhiều người trong số đó “nghe tiếng anh Phát từ rất lâu trước khi được gặp mặt”. Tại buổi ra mắt, giáo sư Trần Đức Thiệp, một chuyên gia vật lý thực nghiệm ở Viện Vật lý (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), nhận xét “Tôi thấy là anh Phát là người làm khoa học rất lớn, nghiên cứu rất nhiều lĩnh vực, lĩnh vực nào cũng rất khó, hiện đại, thời sự, cấp bách”. Nhiều công trình của ông cũng khiến đám hậu bối phải kiêng nể. “Giáo sư Trần Hữu Phát là người xuất sắc, ngay cả những công trình giai đoạn đầu đã thể hiện hiểu biết rất sâu sắc về vật lý và có chất lượng chuyên môn cao, dù giáo sư làm việc một cách độc lâp”, PGS. TS Phùng Văn Đồng, trưởng nhóm nghiên cứu Vật lý năng lượng cao và vũ trụ học (trường ĐH Phenikaa), nói.
Nhìn lại chặng đường nghiên cứu của giáo sư Trần Hữu Phát, giáo sư Đào Tiến Khoa phải thốt lên “Với trí tuệ như vậy, nếu như anh ấy [được nghiên cứu] ở Dubna hoặc đâu đó bên Tây Âu những năm 1970 thì anh ấy hoàn toàn có thể trở thành một nhà khoa học tầm cỡ không kém gì Nikolay Bogolyubov, Alexander Baldin…”1.
Tinh thần khoa học trong đời thường
Xuất thân là một người làm khoa học, bắt đầu làm việc ở Viện 481 – một cơ sở nghiên cứu hạt nhân của quân đội, và Viện NLNTVN, không khi nào giáo sư Trần Hữu Phát quên đi gốc gác của mình. Những ý kiến mà ông nêu tại các cuộc họp đều dựa trên tinh thần khoa học. Trong phiên họp Hội đồng KH&CN Viện NLNTVN mới đây, ông có kể lại một kỷ niệm từ ngày còn làm ở Viện 481, “lúc đó tôi quân hàm ‘bét dem’, Tổng cục trưởng toàn các anh quân hàm đại tá, thiểu tướng cả; khi các ông ấy kết luận, tất cả mọi người giơ tay đồng ý nhưng tôi thấy cái gì không đúng thì mình phải nêu ý kiến ‘tôi không đồng ý ở một số điểm’. Lúc tan họp, nhiều anh cứ bảo ‘cậu dại quá’… Có thể mình dại thật nhưng mình là người làm khoa học, không thể nói ngược lại được điều mình tâm niệm”.
Có lẽ, với tinh thần của người làm khoa học và tinh thần của người lính, ông trở thành người rất nguyên tắc trong công việc, không có ngoại lệ với cả những cán bộ quản lý cấp trên. PGS. TS Vương Hữu Tấn nhớ lại kỷ niệm về “một cuộc họp do Bộ trưởng triệu tập để nghe Viện NLNTVN báo cáo. Khi đó với tư cách Viện trưởng (PGS Vương Hữu Tấn là Viện trưởng giai đoạn 2001-2012), tôi mời giáo sư Phát là Chủ tịch Hội đồng KHCN&ĐT của Viện tham dự. Dự kiến, cuộc họp diễn ra vào lúc 13h30 mà đến gần 14h00 vẫn không thấy Bộ trưởng đến do ông quên hay sao đó, tôi phải lên tận nơi mời Bộ trưởng xuống. Với sự thẳng thắn sẵn có, giáo sư Phát đã phê bình trực tiếp Bộ trưởng rất gay gắt tại cuộc họp” 2.
Nguyên tắc là vậy nhưng giáo sư Trần Hữu Phát lại là người rất quan tâm đến anh em, không phải theo cách hời hợt lấy lệ mà luôn cởi mở, quan tâm và trao đổi với mọi người một cách thoải mái. Vì thế, sau mấy chục năm thì ấn tượng của những đồng nghiệp như giáo sư Trần Đức Thiệp vẫn là “anh Phát là người rất đẹp, rất đàng hoàng, dù lần đầu gặp gỡ vẫn đón tiếp tôi nồng hậu”. Giáo sư Đào Vọng Đức, nguyên viện trưởng Viện Vật lý (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), người tự nhận là “chuyên môn có nhiều nét khác anh” nhưng vẫn giữ mối quan hệ thân thiết, đồng cảm từ năm 1962 đến nay, thì cho rằng điểm trân quý ở ông là việc không giữ “tủ”: “Tôi có làm một số công trình, người đầu tiên tôi trao đổi là giáo sư Phát, người khiến tôi rất xúc động vì luôn khích lệ tôi một cách chân thành và không ngại đề cập tới một số vấn đề mà tôi cũng còn chưa nghĩ đến. Tôi rất cảm kích về điều đó”
Trong quá trình gắn bó với ngành hạt nhân, dù với vai trò quản lý hay chuyên môn thuần túy, dường như bao giờ giáo sư Trần Hữu Phát cũng trân trọng chữ tín. “Một trong những điểm hay của giáo sư Phát là khi cam kết điều gì, bao giờ ông cũng cố gắng làm được đúng điều đó”, phó giáo sư Phùng Văn Đồng – một thành viên trong hội đồng khoa học ngành vật lý NAFOSTED, không giấu nổi sự thán phục. Là một trong những chủ trì đề tài cao tuổi nhất ngành vật lý, qua bốn đề tài do Quỹ tài trợ lần lượt từ năm 2009 đến 2020 về chuyển pha, tính chất trong hệ hai thành phần, cấu trúc pha trong các hệ tương tác mạnh và chuyển pha holographic, bao giờ giáo sư Trần Hữu Phát cũng đạt được đúng những yêu cầu của Quỹ với “nhiều công bố xuất bản trên các tạp chí hàng đầu chuyên ngành”, phó giáo sư Phùng Văn Đồng nhận xét.
Chữ tín ấy ông đã mang theo bên mình, từ khoa học đến cuộc sống thường nhật. “Sau ấn tượng ban đầu, tôi còn ấn tượng là anh phát biểu chỗ nào cũng giống nhau, không có chuyện ở nơi này nói thì thế này mà sang nơi khác lại nói thế khác, không chỉ trong khoa học mà còn trong cuộc sống. Chúng ta phải học những gương như vậy, học về cách làm khoa học, học về cách làm người”, giáo sư Trần Đức Thiệp nói về người anh của mình. Không chỉ những bạn bè thân thiết mà những học trò theo ông làm nghiên cứu sinh cũng cảm nhận được những đức tính đó. “Tôi đã học được nhiều thứ ở thầy, trong đó tôi tâm đắc là những đức tính của một nhà khoa học chân chính, đó là trung thực, nghiêm túc, không lùi bước trước cái gì, luôn luôn tìm tòi khám phá để tìm hiểu những lĩnh vực rất khó và rất thời sự. Khi đặt ra một vấn đề nghiên cứu, thầy không bao giờ dừng lại ở chỗ mà đi đến tận cùng, khi đưa ra một kết luận thì thầy luôn xem xét rất kỹ mọi khía cạnh, mọi khái niệm để tránh đi đến kết luận sai lầm”, PGS. TS Lê Viết Hòa (Đại học Sư phạm HN) trả lời trong một thước phim tài liệu về người thầy của mình.
***
Trong một buổi sáng mùa đông cuối năm, những câu chuyện đời, chuyện nghề từ hơn 50 năm trước đã được gợi lại, có những thời điểm theo giáo sư Trần Hữu Phát “rất khủng khiếp” như chuyện sống trong bối cảnh ‘phê đấu’, bị gán là ‘làm thơ chống Đảng’ khi ở trường đại học Tổng hợp, chuyện kéo cày thay trâu khi tăng gia sản xuất… Những vui buồn như thế rồi cũng vụt qua, chữ tình ở lại. Ở thời điểm chỉ còn cách vài ngày là tròn tuổi 80, giáo sư Trần Hữu Phát xúc động nói “Trong đời người làm khoa học thì đây là cái hạnh phúc nhất – hạnh phúc ngồi cùng với các đồng nghiệp, được chia sẻ và được thông cảm, cũng như được tổng kết những đóng góp khoa học cho ngành cũng như cho đất nước. Trước đây lúc anh Tấn còn làm viện trưởng thì Viện có đề nghị tôi làm tờ khai để được khen thưởng. Tôi có nói với mọi người ‘tớ không có khai, nếu cậu làm được giúp tớ thì cậu cứ làm’. Cuối cùng thì việc này cũng không thành nhưng với tôi, điều đó cũng không quan trọng bởi cuộc đời làm khoa học không phải vì huân chương, có thì tốt mà không có cũng không sợ. Dù thế nào trước sau tôi vẫn là nhà khoa học; đóng góp của tôi có hai điểm, một là công bố quốc tế nhiều người biết, hai là đóng góp cho viện, thế là đủ lắm rồi. Cho nên hôm nay, sự có mặt của tất cả các bạn ở đây chính là huân chương cao quý nhất, đẹp nhất dành cho tôi”.