Trong buổi gặp mặt thân mật và ấm cúng tại nhà riêng nhân sinh nhật tròn tuổi 90, giáo sư Cao Chi đã đón nhận những tình cảm chân thành và gắn bó của những người làm ở Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam thế hệ sau.

Viện trưởng Trần Chí Thành trao lẵng hoa chúc mừng giáo sư Cao Chi tròn 90 tuổi tại nhà riêng của giáo sư

Đã trở thành truyền thống tốt đẹp của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, các dịp đầu xuân hay sinh nhật của những nhà nghiên cứu kỳ cựu, Viện thường tổ chức các cuộc gặp gỡ, trao đổi để nhớ về những đóng góp của những cá nhân, tập thể trong từng giai đoạn phát triển của Viện nói riêng và của ngành hạt nhân nói chung. Cùng với giáo sư Nguyễn Đình Tứ (Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đầu tiên), giáo sư Phạm Duy Hiển (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân, phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam), giáo sư Trần Hữu Phát (nguyên Viện trưởng Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam), giáo sư Cao Chi thuộc lớp những nhà nghiên cứu thế hệ đầu của Viện. Không chỉ là một chuyên gia về vật lý lý thuyết, tác giả nhiều công trình khoa học về Lý thuyết đối xứng các hạt cơ bản, Lý thuyết trường lượng tử, Yang-Mills và trường hấp dẫn, Vật lý hạt nhân, Lý thuyết lò phản ứng… khi còn phụ trách Phòng Vật lý lý thuyết, ông còn đảm trách một nhiệm vụ lớn của ngành hạt nhân: ông được chính giáo sư Nguyễn Đình Tứ lúc sinh thời giao phụ trách Trung tâm Vật lý hạt nhân và triển khai những nghiên cứu rất căn bản về ứng dụng năng lượng và phi năng lượng của kỹ thuật hạt nhân vào Việt Nam.

Khi đó, giáo sư Cao Chi đã cùng các đồng nghiệp ở Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam thực hiện một đề tài có vai trò chiến lược đối với sự phát triển năng lượng nguyên tử ở Việt Nam sau này “Nghiên cứu chiến lược phát triển khoa học kỹ thuật và năng lượng hạt nhân ở Việt Nam” (chương trình nhà nước KC09 do giáo sư Nguyễn Đình Tứ làm chủ nhiệm) từ năm 1992 đến năm 1994. TS. Lê Văn Hồng (lúc đó là phó tiến sĩ, sau ông là Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam) là thư ký đề tài. Đúng như tên gọi của mình, đề tài mà giáo sư Cao Chi đảm trách tìm hiểu những ứng dụng phi năng lượng trong nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội như y tế, công nghiệp, kiểm tra không phá hủy… và phát triển điện hạt nhân. Trong đó, ông đã tính toán và đưa ra bốn kịch bản khác nhau về thời điểm phát triển nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam với hai công nghệ lò phản ứng nước nặng (CANDU-300) và lò phản ứng nước áp lực (PWR-900). “Đây là kết quả mang tính tiền đề để phát triển năng lượng nguyên tử ở Việt Nam, hình thành chiến lược phát triển ngành năng lượng nguyên tử. Một trong những hệ quả của nó là chương trình điện hạt nhân của Việt Nam và kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, 2”, TS. Võ Văn Thuận, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học và kỹ thuật hạt nhân, đánh giá.

Đại diện các cán bộ của Viện NLNTVN chụp ảnh lưu niệm cùng giáo sư Cao Chi

Tại buổi sinh nhật này, mọi người đều nhắc đến những nỗ lực đóng góp của giáo sư Cao Chi và tập thể các nhà nghiên cứu đi trước. Đáng tiếc là vào năm 2016, hai dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam đã bị dừng lại vì lý do kinh phí. TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, chia sẻ: “Nhìn lại sự phát triển gần đây của các nước trên thế giới cho chúng ta thấy, một nước mà ngành hạt nhân yếu là một nước yếu”. Vì vậy, tiếp nối những người đi trước, các nhà nghiên cứu ở Viện ngày nay vẫn cố gắng triển khai tốt các công việc, đưa các ứng dụng kỹ thuật hạt nhân, đồng vị bền và đồng vị phóng xạ vào nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội như y tế, nông nghiệp, công nghiệp…”. Viện trưởng cũng giới thiệu với giáo sư Cao Chi về một số tình hình công việc của Viện như triển khai dự án Trung tâm nghiên cứu KH&CN hạt nhân mới, dự án xây dựng mạng quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia, Trung tâm hợp tác nghiên cứu nước và môi trường IAEA-VINATOM, xây dựng Trung tâm chiếu xạ ở Đà Nẵng, tình hình sản xuất dược chất phóng xạ dùng trong chẩn đoán và điều trị ung thư được cung cấp bởi các đơn vị của Viện (trong năm 2020, do tình hình dịch bệnh Covid-19, việc nhập khẩu các dược chất phóng xạ có thời điểm là không thể thực hiện được, nên trong quí 2/2020 lò Phản ứng Đà Lạt thuộc Viện Nghiên cứu hạt nhân đã đáp ứng đủ 100% nhu cầu của thị trường… Tuy nhiên, hiện nay Viện cũng có một số khó khăn đó là việc thiếu các cán bộ nghiên cứu giỏi, đặt biệt là thiếu các cán bộ nghiên cứu đầu đàn. Viện trưởng Trần Chí Thành chia sẻ và trăn trở rất nhiều về việc này và mong muốn duy trì và nâng cao năng lực của cán bộ nghiên cứu của Viện trong việc nghiên cứu công nghệ các lò điện hạt nhân dạng mô-đun và lò điện hạt nhân nổi. Nhất là trong bối cảnh các quốc gia bên cạnh như Trung Quốc hiện có một chương trình phát triển điện hạt nhân “nóng nhất” trên thế giới. Quốc gia này hiện có 49 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động, đang xây dựng 17 lò phản ứng, đến năm 2030 sẽ có 100 lò phản ứng và đến năm 2050 sẽ có 270 lò phản ứng. Các dự án xây dựng này đang được dịch chuyển dần xuống gần biên giới nước ta (hiện có 8 lò vận hành gần biên giới phía Bắc của nước ta) và đặc biệt là có khả năng Trung Quốc sẽ triển khai các nhà máy điện hạt nhân nổi trên biển Đông trong thời gian ngắn, nên đòi hỏi các chúng ta phải có năng lực và hiểu biết về công nghệ hạt nhân để có thể xây dựng được các kế hoạch ứng phó khi có sự cố hạt nhân xảy ra.

Trước khối lượng công việc đã hoàn thành và việc đề ra những mục tiêu hướng tới của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, giáo sư Cao Chi cảm thấy tự hào và tin tưởng vào đội ngũ các nhà nghiên cứu của Viện, đặc biệt ở những bộ phận ông từng làm việc. Trong cái nhìn của ông, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đang hội tụ được những yếu tố cơ bản về con người cũng như điều kiện làm việc để có thể đảm trách những nhiệm vụ lớn xứng đáng với vị thế của nó.

Nguồn: Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam