Trong ba ngày từ 6 đến 8 tháng 1 năm 2025, Đoàn chuyên gia Việt Nam đã làm việc tại Cục Tiêu chuẩn và Đo lường (DOSM), Bộ Công thương (MOIC), Nước CHDCND Lào trong khuôn khổ Dự án Hợp tác kỹ thuật về kiểm tra không phá hủy (NDT) của Nước CHDCND Lào với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), mã số dự án LAO1002. Đoàn chuyên gia trong lĩnh vực NDT gồm có Ông Vũ Tiến Hà, nguyên Giám đốc Trung tâm Đánh giá không phá hủy, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam; Ông Nguyễn Lê Sơn, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Đánh giá không phá hủy và Ông Nguyễn Thế Mẫn, Phó Giám đốc Trung tâm Đánh giá không phá hủy. Các chuyên gia làm việc với tư cách là chuyên gia của IAEA. Mục đích của chuyến công tác là tổ chức hội thảo quốc gia tại CHDCND Lào về kỹ thuật NDT và dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử cho các đơn vị liên quan trong các bộ, ngành thuộc nhà nước và các doanh nghiệp tư nhân.

Đoàn chuyên gia đã chào gặp mặt và trao đổi với Ông Phouangmala Choumphachan, Phó Cục trưởng Cục Tiêu chuẩn và Đo lường và Ông Om Keoboutda, Giám đốc Trung tâm Kiểm tra không phá hủy của Nước Lào, đơn vị trực thuộc DOSM, được thành lập năm 2020. Trong khuôn khổ các hợp tác kỹ thuật giữa Việt Nam và Lào thông qua Nghị định thư kết thúc năm 2021, hợp tác kỹ thuật ba bên Việt Nam – IAEA – Lào về NDT bắt đầu từ năm 2022 và hợp tác kỹ thuật Lào – IAEA về NDT bắt đầu từ năm 2022 cùng với việc tham gia các dự án hợp tác vùng Châu Á – Thái Bình Dương (RCA) của IAEA, năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ, kỹ thuật viên của Trung tâm NDT của Nước Lào đã từng bước được nâng cao thông qua các khóa đào tạo, hội thảo chuyên ngành, thăm quan khoa học. Bên cạnh đó các trang thiết bị cơ bản cũng đã được trang bị đủ để sẵn sàng triển khai các hoạt động và dịch vụ NDT. Vấn đề tìm ra giải pháp để thúc đẩy việc ứng dụng, triển khai kỹ thuật NDT được đặt ra trong buổi trao đổi. Ông Phouangmala Choumphachan gửi lời cảm ơn tới IAEA, Trung tâm Đánh giá không phá hủy (NDE), Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam đã giúp đỡ, hỗ trợ cho sự phát triển của lĩnh vực NDT tại Nước CHDCND Lào.

Sáng ngày 7 tháng 1 năm 2025, tại hội trường của Bộ Công thương (MOIC), Bà Chanhsouk Seangphachanh, Thứ trưởng Bộ Công thương đã phát biểu khai mạc hội thảo về dịch vụ NDT và hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử. Bà Chanhsouk Seangphachanh đã nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác NDT bao gồm: 1. Đảm bảo an toàn, 2. Đảm bảo chất lượng, 3. Giảm chi phí, 4. Tiết kiệm thời gian, 5. Tuổi thọ sử dụng lâu dài và thực hiện đúng theo tiêu chuẩn trong khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực mới của Lào nên nhiều người và các bên liên quan chưa hiểu rõ về bản chất của công việc NDT. Vì vậy, hội thảo có các chuyên gia từ Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế được coi là cơ hội tốt để giới thiệu và trình bày tầm quan trọng để các bên liên quan nhận biết và hiểu rõ hơn về lĩnh vực NDT.

Tham dự hội thảo có 50 đại biểu đến từ Bộ Công Thương, Cục Tiêu chuẩn và Đo lường, các đơn vị nhà nước và doanh nghiệp tư nhân trong các lĩnh vực xây dựng dân dụng, công nghiệp.

Chương trình hội thảo bao gồm 04 bài trình bày của Ông Om Keoboutda, Giám đốc Trung tâm NDT của Nước Lào và của ba chuyên gia đến từ Việt Nam. Ông Om Keoboutda đã có bài giới thiệu về Trung tâm NDT của nước Lào bao gồm đội ngũ cán bộ, kỹ thuật viên, các trang thiết bị, các kỹ thuật có thể triển khai và các hoạt động dịch vụ kỹ thuật NDT bước đầu đã được thực hiện. Ông Vũ Tiến Hà đã trình bày về tác động kinh tế và xã hội của hoạt động NDT trong khuôn khổ các dự án hợp tác vùng Châu Á-Thái Bình Dương với các số liệu được IAEA tổng kết trong giai đoạn năm 2000-2020, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm an toàn bức xạ và an toàn cho các công trình công nghiệp và dân dụng thông qua việc kiểm soát chất lượng mà NDT là một công cụ hữu hiệu, đề xuất các giải pháp để đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật NDT tại Nước CHDCND Lào bao gồm: mở rộng hợp tác quốc tế, tổ chức học tập và nghiên cứu về NDT (phối hợp với Đại học Quốc gia Lào), đẩy mạnh việc thực hiện các dịch vụ NDT và thực hiện phép phân tích SWOT (Điểm mạnh-Điểm yếu-Cơ hội-Thách thức) để tìm ra giải pháp tốt nhất. Ông Nguyễn Lê Sơn đã có bài trình bày về công tác kiểm tra chất lượng cho các công trình dân dụng bằng các kỹ thuật NDT, đây là lĩnh vực được các bộ ngành của Nước CHDCND Lào quan tâm, đặc biệt liên quan đến các công trình đê đập do số lượng lớn các công trình thủy điện tại Lào. Ông Nguyễn Thế Mẫn có bài trình bày liên quan đến ứng dụng kỹ thuật NDT trong công nghiệp, trong đó có nhấn mạnh việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong đào tạo, chứng nhận, triển khai kỹ thuật NDT.

Các bài trình bày cũng đã nhận được nhiều câu hỏi đến từ phía các đại biểu tham dự.

Hoạt động bên lề của hội thảo là buổi trình diễn kỹ thuật NDT tiên tiến (Kỹ thuật siêu âm mảng điều pha – PAUT) được thực hiện bởi ông Nguyễn Duy Lân, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và Dịch vụ Khoa học Kỹ thuật L.C.D.

Ông Soukahlom Sothiphon, Phó Cục trưởng Cục Tiêu chuẩn và Đo lường đã phát biểu bế mạc hội thảo, cảm ơn sự có mặt đông đủ của đại biểu đến từ các bộ ngành và doanh nghiệp tư nhân, cảm ơn các chuyên gia đã có trình bày chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm quý báu trong lĩnh vực NDT.

Ngày 8 tháng 1 năm 2025, Bộ Công thương (MOIC) đã đăng tin về hội thảo trên trang Web của Bộ (https://www.moic.gov.la/?p=13984).

Cũng trong chuyến công tác, đoàn cán bộ Cục Tiêu chuẩn và Đo lường và đoàn chuyên gia đến từ Việt Nam đã tham quan vào trao đổi kỹ thuật tại một cơ sở công nghiệp có ứng dụng kỹ thuật NDT và ứng dụng bức xạ là Công ty Bia Lào. Ông Sithixay Ketthavong, giám đốc phát triển bền vững của Công ty đã đón tiếp đoàn và bày tỏ mong muốn các tổ chức, công ty của Lào sẽ triển khai các kỹ thuật NDT cho các công trình dân dụng và công nghiệp và Công ty Bia Lào sẵn sàng sử dụng dịch vụ này.

Báo cáo của chuyến công tác chỉ ra các kết quả sau đã được thực hiện bởi ba chuyên gia Việt Nam cùng với đội ngũ cán bộ, nhân viên của Cục Tiêu chuẩn và Đo lường:

  • – Nhận thức và mong muốn thúc đẩy ứng dụng các kỹ thuật NDT tại Lào đã được nâng cao.
  • – Người tham dự hiểu rõ hơn về quy trình đảm bảo chất lượng và kiểm soát chất lượng của trong các ngành xây dựng dân dụng và công nghiệp.
  • – Giới thiệu về ứng dụng kỹ thuật NDT trong công nghiệp.
  • – Vấn đề đảm bảo chất lượng và kiểm soát chất lượng đối với chính các hoạt động triển khai kỹ thuật NDT đã được đưa ra trao đổi.
  • – Giới thiệu về việc lập kế hoạch chương trình bảo dưỡng định kỳ tại các nhà máy thủy điện và nhiệt điện có ứng dụng các kỹ thuật NDT.
  • – Trình bày về ứng dụng các kỹ thuật NDT để phân tích an toàn đập, bê tông (phi kim loại) và trong bảo tồn di sản văn hóa và các công trình xây dựng.
  • – Trình bày về chương trình chứng nhận nhân sự kiểm tra không phá hủy theo tiêu chuẩn ISO 9712.
  • – Giới thiệu và trình diễn một số thiết bị NDT tiêu biểu.

Đặc biệt, nâng cao nhận thức và thúc đẩy ứng dụng các kỹ thuật NDT tại Nước CHDCND Lào.

Đinh Chí Hưng