Trong khuôn khổ Dự án hợp tác kỹ thuật giữa IAEA và Việt Nam mã số VIE1012 giai đoạn 2024-2026 với chủ đề “Thiết lập chương trình chứng nhận nhân sự kiểm tra không phá hủy theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 9712”, Trung tâm Đánh giá không phá hủy (NDE) đã đón tiếp và làm việc với chuyên gia của IAEA từ ngày 21 đến ngày 25 tháng 10 năm 2024.

Mục đích tuần làm việc của chuyên gia IAEA là đánh giá tình trạng của Trung tâm NDE và các bên liên quan đối với các nội dung liên quan đến chương trình chứng nhận nhân sự kiểm tra không phá hủy (NDT) theo tiêu chuẩn ISO 9712 được thừa nhận quốc tế nhằm hỗ trợ tối đa cho việc triển khai dự án hợp tác kỹ thuật VIE 1012.

Buổi lễ khai mạc tuần làm việc tại Trung tâm NDE có sự tham dự của Bà Hannah Asamoah Affum – chuyên gia kỹ thuật (TO) của Dự án VIE1012; đại diện Ban hợp tác quốc tế – Viện NLNTVN gồm có Ông Nguyễn An Trung – Trưởng ban và một số cán bộ làm việc trong Ban; đại diện Hội Thử nghiệm không phá hủy Việt Nam (VANDT) có Ông Khúc Văn Hưng – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký của Hội; đại diện Trung tâm NDE có Ông Nguyễn Thế Mẫn – Phó Giám đốc và các cán bộ, nhân viên làm việc trong Trung tâm; Ông Vũ Tiến Hà, nguyên Giám đốc Trung tâm NDE.

Ảnh chụp tại buổi lễ khai mạc tuần làm việc của chuyên gia IAEA

Sau nội dung chào hỏi, giới thiệu và thông qua chương trình làm việc, đại diện các bên đã có các bài trình bày liên quan đến chủ để của tuần làm việc: Ông Khúc Văn Hưng đã có bài giới thiệu về Hội Thử nghiệm không phá hủy Việt Nam; Bà Hannah A. Affum đã giới thiệu về Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và tóm lược nội dung chính của Dự án hợp tác kỹ thuật VIE1012; Ông Nguyễn Thế Mẫn trình bày giới thiệu tổng quan về hoạt động của Trung tâm NDE; Bà Ngô Thị Kiều Oanh trình bày giới thiệu về hoạt động đào tạo trong lĩnh vực NDT của Trung tâm NDE; Ông Đinh Chí Hưng giới thiệu và cung cấp thông tin về hoạt động chứng nhận nhân sự thử nghiệm không phá hủy; Ông Vũ Tiến Hà đã có bài trình bày về hiện trạng hoạt động NDT và trình hình triển khai các dự án hợp tác kỹ thuật và dự án hợp tác Vùng trong lĩnh vực NDT của Việt Nam từ trước đến nay.

Ảnh chụp Bà Hannah A. Affum đang giới thiệu về hoạt động của IAEA
Ảnh chụp Bà Ngô Thị Kiều Oanh đang trình bày về hoạt động đào tạo NDT của Trung tâm NDE

Trong tuần làm việc, chuyên gia IAEA cũng đã tham quan cơ sở vật chất và chứng kiến một số phép thử không phá hủy được thực hiện bởi các kỹ thuật viên của Trung tâm NDE.

Ảnh chụp chuyên gia IAEA tham quan PTN và chứng kiến trình diễn kỹ thuật chụp ảnh số (DIR)
Ảnh chụp chuyên gia IAEA tham quan cơ sở vật chất phục vụ đào tạo NDT

Chiều ngày 24 tháng 10 năm 2024, Bà Hannah A. Affum đã kết nối và tổ chức cuộc họp online giữa các chuyên gia của Hội thử nghiệm không phá hủy quốc tế (ICNDT) và các cán bộ của Ban hợp tác quốc tế và Trung tâm NDE. Nội dung cuộc họp liên quan đến việc ký thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRA) và công nhận cơ quan chứng nhận nhân sự NDT theo tiêu chuẩn ISO 9712 và ISO/IEC 17024 và ngân hàng câu hỏi cho các kỳ sát hạch nhân sự NDT.

Ảnh chụp toàn cảnh cuộc họp online với đại diện của tổ chức ICNDT

Ngày 25 tháng 11 năm 2024, Trung tâm NDE đã tổ chức bế mạc tuần làm việc của chuyên gia IAEA. Bà Hannah A. Affum đã trình bày các nội dung ghi nhận trong tuần làm việc và đưa ra các khuyến cáo đối với các bên liên quan. Các khuyến cáo do chuyên gia IAEA đưa ra bao gồm việc thúc đẩy các hoạt động của Hội thử nghiệm không phá hủy Việt Nam, tích cực thiết lập chương trình chứng nhận nhân sự NDT đạt được sự thừa nhận quốc tế trong đó bao gồm việc học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia đã phát triển hệ thống chứng nhận trong nhiều năm qua và tiếp tục tăng cường hợp tác trong khuôn khổ các dự án hợp tác kỹ thuật và hợp tác Vùng của IAEA. Chuyên gia IAEA cũng đề xuất phía Việt Nam nghiên cứu tham gia vào chương trình thành lập Trung tâm hợp tác Vùng trong lĩnh vực NDT.

Thay mặt Ban hợp tác quốc tế, Viện NLNTVN, Ông Nguyễn An Trung đã gửi lời cảm ơn tới chuyên gia IAEA đã hỗ trợ Việt Nam thực hiện các dự án hợp tác kỹ thuật nói chung và dự án VIE1012 nói riêng. Bà Đặng Thị Thu Hồng, đại diện cho Trung tâm NDE cũng nói lời cảm ơn tới Bà Hannah A. Affum đã đưa các khuyến cáo hữu ích cho Trung tâm NDE và các bên liên quan nhằm thúc đẩy các hoạt động liên quan đến việc đào tạo và chứng nhận nhân sự NDT.

Hiện nay, trên thế giới có nhiều hệ thống đánh giá và chứng nhận đối với kỹ thuật viên thực hiện kiểm tra NDT, tuy nhiên có thể chia thành hai nhóm chính: (i) “Hệ thống chứng nhận của Tổ chức chủ quản” như các hệ thống tuân theo ASNT-SNT-TC-1A; (ii) “Hệ thống chứng nhận tập trung của quốc gia”, bao gồm các hệ thống phù hợp theo Tiêu chuẩn ISO 9712. Theo đó, hệ thống chứng nhận theo ISO 9712 được thiết lập để chuẩn hóa toàn bộ các quy trình và chứng nhận cho kỹ thuật viên NDT trên phạm vi toàn cầu. Trên thế giới, Tiêu chuẩn ISO 9712 đã được áp dụng tại nhiều quốc gia tiên tiến ở châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Canada, Úc v.v… Do đó, việc đáp ứng các tiêu chuẩn của ISO 9712 đã trở thành một xu hướng không thể thiếu trong lĩnh vực NDT trên thế giới.

Nhiều dự án hiện nay tại Việt Nam, đặc biệt là các dự án lớn có sự tham gia của Chủ đầu tư nước ngoài, yêu cầu bắt buộc kỹ thuật viên NDT phải có trình độ chuyên môn và được cấp chứng chỉ ISO 9712 được công nhận ở quy mô quốc tế do tính ưu việt của chương trình này ở tính độc lập, khách quan và được chấp nhận trên toàn thế giới. Chính vì vậy Việt Nam đã lựa chọn và áp dụng hệ thống chứng nhận NDT theo ISO 9712 từ rất sớm thể hiện qua việc ban hành tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5868:1995 dựa theo tiêu chuẩn ISO 9712:1992 (phiên bản đầu tiên). Tuy nhiên, do nhiều lý do khách quan từ đặc điểm và điều kiện kinh tế – xã hội, cho đến nay chưa có một tổ chức chứng nhận nhân sự NDT tại Việt Nam theo hệ thống này thực sự đạt “chuẩn” theo quy định thế giới và do đó chưa có được sự công nhận của thế giới.

Thị trường NDT khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong đó có Việt Nam, đang là thị trường có tốc độ phát triển mạnh nhất bởi các quốc gia mới nổi có nền kinh tế sôi động, nhu cầu về phát triển cơ sở hạ tầng, công nghiệp hóa tăng cao. Với việc tham gia ký kết nhiều hiệp định tự do thương mại, tới đây càng ngày càng nhiều công trình/dự án công nghiệp được triển khai nên việc áp dụng hệ thống chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn quốc tế là một tất yếu khách quan. Do đó, phát triển nguồn nhân lực NDT có năng lực và trình độ được chuẩn hóa là điều kiện cần thiết để Việt Nam hội nhập và phát triển.

Dự án VIE1012 do IAEA hỗ trợ Việt Nam thực hiện trong giai đoạn 2024-2026 với mục tiêu thiết lập một Chương trình chứng nhận nhân sự NDT theo tiêu chuẩn ISO 9712 được thừa nhận rộng rãi trên thế giới.