Bác Hồ là một trong số ít các lãnh tụ của các nước được mời đến thăm nhà máy điện hạt nhân đầu tiên trên thế giới tại Obninsk (Nga) năm 1955 (sau 1 năm nhà máy đi vào vận hành phát điện). Cùng đi thăm nhà máy điện hạt nhân đầu tiên trên thế giới với Bác, còn có Tổng bí thư Đảng Lao động Việt Nam Trường Chinh. Sau chuyến thăm này của Người, một số cán bộ trẻ của Việt Nam đã được cử đi học tại Liên Xô về năng lượng nguyên tử, trong đó có GS, TS. Nguyễn Đình Tứ, GS, VS. Nguyễn Văn Hiệu. Đây là tiền đề cho việc xây dựng nên ngành năng lượng nguyên tử hiện nay của chúng ta.
Đặt vấn đề:
Hiện nay, biến đổi khí hậu đang là thách thức nghiêm trọng toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Là một trong các quốc gia đang phát triển, Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tác động của biến đổi khí hậu. Tại COP26, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ, cùng 48 quốc gia tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch…
Cam kết của Việt Nam tại COP26 được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế, đối tác phát triển, tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt là các định chế tài chính, tập đoàn lớn về năng lượng tái tạo đã cam kết, đề nghị được hợp tác với Việt Nam trong quá trình triển khai thực hiện cam kết.
Việt Nam, cũng giống như phần lớn quốc gia trong khu vực, gặp không ít khó khăn trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đủ điện ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế, xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, bảo vệ môi trường sinh thái. Tuy sở hữu nguồn tài nguyên năng lượng phong phú, đa dạng, nhưng những nguồn năng lượng truyền thống đang tiến dần đến cạn kiệt.
Để ứng phó với những thách thức về an ninh năng lượng trong tình hình hiện nay, bên cạnh việc áp dụng các chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, một số đại biểu Quốc hội, nhà khoa học, chuyên gia năng lượng và một số lãnh đạo trong cơ quan quản lý nhà nước đã kiến nghị chọn giải pháp tổng hòa tận dụng tối đa nguồn năng lượng trong nước, phát triển năng lượng tái tạo kết hợp nhập khẩu điện, nhập khẩu than, khí đốt ở tỷ trọng thích hợp cùng với việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) là giải pháp tối ưu nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
I. Nghiên cứu phát triển điện hạt nhân để đảm bảo an ninh năng lượng, góp phần chống biến đổi khí hậu toàn cầu:
1. Xu hướng điện hạt nhân trên thế giới:
Cho đến thời điểm hiện tại, đa số các nước lớn, có trình độ khoa học, kỹ thuật phát triển, nền kinh tế tăng trưởng cao trên thế giới đều đã và đang sử dụng ĐHN. Có nhiều nước đang phát triển chưa đủ điều kiện phát triển ĐHN, nhưng vẫn xây dựng chiến lược phát triển ĐHN trong tương lai.
Mới đây, 11 quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU) do Pháp đứng đầu đã tuyên bố tăng cường hợp tác trong lĩnh vực hạt nhân dân sự để phát triển “các dự án mới”, bất chấp sự phản đối của Đức. Chính phủ Pháp đã công khai mục tiêu rằng: Các kế hoạch này không chỉ để phục vụ cho nhu cầu năng lượng của nước Pháp mà còn hướng đến việc xuất khẩu điện, công nghệ lò phản ứng hạt nhân thế hệ mới cho châu Âu và thế giới.
Với nước Pháp, ĐHN không chỉ là giải pháp khả dĩ nhất để đạt được các tham vọng cắt giảm lượng phát thải khí các-bon mà còn là tiền đề để sản xuất các loại năng lượng khác thân thiện với môi trường (như hydrogen xanh). Do đó, trong phạm vi chiến lược công nghiệp và năng lượng của riêng nước Pháp, ĐHN vẫn tiếp tục đóng vai trò cực kỳ quan trọng.
Việc nước Đức chính thức đóng cửa 3 nhà máy ĐHN cuối cùng (15/4/2023) diễn ra gần như đồng thời với việc Phần Lan kích hoạt lò phản ứng hạt nhân lớn nhất châu Âu – Olkiluoto 3 (OL3) hoạt động trở lại sau 18 năm ngưng vào sáng 16/4/2023, được cho là sẽ giúp tăng cường an ninh năng lượng ở châu Âu trong bối cảnh Nga đang cắt giảm nguồn cung khí đốt cho khu vực. Động thái đó đã phần nào cho thấy bức tranh đối lập về tương lai nguồn năng lượng này tại các nước châu Âu.
Hiện nay, Đức tiếp tục mua điện từ Pháp – nơi các nhà máy ĐHN cung cấp gần 70% lượng điện và Thụy Điển – nơi ĐHN chiếm hơn 30%.
Tại Hàn Quốc, theo Quy hoạch mới nhất được Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc (MOTIE) thông qua: Năng lượng hạt nhân sẽ chiếm 34,6% sản lượng điện của nước này vào năm 2036, so với 27,4% vào năm 2021. Thiết kế lò phản ứng APR1000 của Công ty Thủy điện – Điện hạt nhân Hàn Quốc (KHNP) đã chính thức nhận được chứng nhận tuân thủ bởi tổ chức European Utility Requirements (EUR) – Nhóm tư vấn kỹ thuật của châu Âu về nhà máy ĐHN.
Nhật Bản vẫn kiên định chính sách về ĐHN với tỷ lệ nguồn năng lượng này vẫn tăng đều hàng năm sau sự cố Fukushima. Với mục tiêu sử dụng đa dạng các nguồn năng lượng: Đến năm 2030, trong cơ cấu nguồn điện, năng lượng tái tạo chiếm từ 36 – 38%, điện than 19% và năng lượng hạt nhân chiếm từ 20 – 22%, LNG chiếm 20%…
Bốn quốc gia đã xây dựng nhà máy ĐHN đầu tiên:
– Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống Nhất (4 tổ máy APR 1400 của Hàn Quốc, trong đó 3 tổ máy đã vận hành thương mại).
– Belarus (2 tổ máy AES-2006 (V-491) của Nga đã vận hành thương mại).
– Bangladesh (2 tổ máy AES-2006 (V-392M) của Nga).
– Thổ Nhĩ Kỳ (4 tổ máy VVER V-509 của Nga). Các tổ máy trên đang được xây dựng đáp ứng tiến độ.
Thời gian qua, đa số các tổ máy ĐHN trên thế giới dừng hoạt động là các tổ máy đã hết, hoặc gần hết thời gian sử dụng, thế hệ cũ. Các quốc gia phát triển ĐHN cũng đã kiểm tra, bổ sung thiết bị đảm bảo an toàn, tiếp tục hoàn thiện, nối lưới các tổ máy đang xây dựng, khởi công xây dựng các tổ máy ĐHN thế hệ mới (thế hệ 3, 3+) công suất lớn hơn (≥ 1.000 MW).
Thống kê cho thấy: Tính đến tháng 6/2023, có 34 quốc gia và vùng lãnh thổ đang sử dụng, xây dựng nhà máy ĐHN, tổng số có 410 lò phản ứng ĐHN đang vận hành với tổng công suất lắp đặt 368.610 MW. Trong đó, Mỹ đứng đầu trên thế giới với 93 lò phản ứng ĐHN với tổng công suất đặt 95.835 MW. Tiếp theo là Pháp, Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Canada, Ukraina…
Có 57 lò phản ứng ĐHN đang xây dựng với tổng công suất 59.091 MW. Trong đó, Trung Quốc dẫn đầu với số lượng 21 lò phản ứng/21.608 MW, Ấn Độ đang xây dựng 8 lò phản ứng…
Các nhà máy ĐHN đang cung cấp hơn 10% điện năng trên thế giới, chiếm khoảng 1/3 lượng điện các-bon thấp toàn cầu.
Theo Tiến sĩ Trần Chí Thành – Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ): Tại hội nghị toàn cầu COP26, đa số các nước đã cam kết cân bằng phát thải CO2 vào năm 2050 đến năm 2060, bằng việc chuyển đổi cơ cấu điện năng. Ngoài việc giảm nhiệt điện than, thúc đẩy phát triển điện năng lượng tái tạo, thì ĐHN được xem là nguồn điện không phát thải CO2 và có thể đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu nguồn điện.
Thêm vào đó, cuộc khủng hoảng Ukraine đã đẩy giá dầu và khí lên cao, đặc biệt là giá khí, cho thấy an ninh năng lượng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Các quốc gia đều muốn giảm phụ thuộc từ bên ngoài và để thực hiện được mục tiêu này, năng lượng hạt nhân được cho là có vai trò rất quan trọng.
Có thể thấy, có nhiều lý do để các quốc gia lựa chọn phát triển ĐHN, vì đây là nguồn năng lượng sạch, ổn định, giúp đảm bảo an ninh năng lượng và không phải phụ thuộc vào bất kỳ nguồn nhiên liệu hoá thạch nào – đồng nghĩa với việc không bị những yếu tố tác động từ bên ngoài quốc gia (căng thẳng chính trị, đứt gãy nguồn cung…). Đặc biệt, phát triển ĐHN sẽ giúp các quốc gia thực hiện trách nhiệm của mình trong cam kết tại COP26.
2. Ưu điểm nổi trội của điện hạt nhân:
Thứ nhất: Giúp đa dạng hóa nguồn năng lượng cung cấp, chủ yếu cho công suất nền chiếm tỉ trọng lớn, ổn định liên tục 24/7, an toàn và linh hoạt, đảm bảo an ninh năng lượng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu điện năng của đất nước, giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Mặt khác, đảm bảo tính kinh tế khi cạnh tranh với các loại nhiên liệu nhập khẩu, có thể dự trữ nhiên liệu cho nhiều năm và không phụ thuộc vào vấn đề vận chuyển nhiên liệu.
Thứ hai: Hỗ trợ chuyển đổi năng lượng sạch, góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu, thay thế dần các nhà máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch và có thể tạo tiềm năng thu tài chính từ việc giảm phát thải khí CO2. Ưu điểm này là tuyệt đối so với các nguồn hóa thạch khác.
Thứ ba: Khi các quốc gia ngày càng chuyển sang sử dụng năng lượng mặt trời và gió để sản xuất điện, các nhà máy ĐHN được vận hành linh hoạt cung cấp dòng điện carbon thấp đáng tin cậy, cũng như lấp đầy khoảng trống sản lượng còn lại khi các nguồn tái tạo suy giảm khi thiếu nắng, hoặc gió.
Thứ tư: Đẩy mạnh phát triển tiềm lực khoa học, kỹ thuật và công nghệ, phát triển cơ sở hạ tầng không chỉ trong ngành năng lượng nguyên tử, ngành điện mà còn thúc đẩy nhiều ngành công nghiệp và kinh tế khác.
Thứ năm: Góp phần nâng cao vị thế của quốc gia khi từng bước làm chủ được công nghệ ĐHN.
Mặc dù có nhiều ưu điểm, song việc phát triển ĐHN cũng có những khó khăn thách thức, nhất là đối với quốc gia lần đầu tiên xây dựng nhà máy ĐHN như:
– Cần có sự đồng thuận của công chúng và các quyết sách mạnh mẽ của Chính phủ.
– Thận trọng lựa chọn công nghệ tiên tiến, an toàn cao nhất và có tính kiểm chứng.
– Cần đảm bảo đầy đủ cơ sở hạ tầng, đặc biệt là văn bản quy phạm pháp luật và xây dựng phát triển đội ngũ chuyên gia về ĐHN, cũng như văn hóa an toàn ĐHN.
– Cần thời gian chuẩn bị dự án do công nghệ phức tạp; vốn đầu tư lớn (mặc dù chi phí nhiên liệu thấp), dẫn đến gặp khó khăn trong thu xếp vốn đầu tư.
3. Việt Nam nên chọn thời điểm thích hợp để tái khởi động nhà máy ĐHN:
Việc tiếp tục phát triển ĐHN hay không vẫn còn chờ cấp thẩm quyền quyết định, song nhiều chuyên gia cho rằng: Với ưu điểm của ĐHN và bối cảnh mới, Việt Nam cũng cần nghiên cứu và lựa chọn thời điểm thích hợp để tái khởi động.
Những bước đi đầu tiên:
Bác Hồ là một trong số ít các lãnh tụ của các nước được mời đến thăm nhà máy điện hạt nhân đầu tiên trên thế giới tại Obninsk (Nga) năm 1955 (sau 1 năm nhà máy đi vào vận hành phát điện). Cùng đi thăm nhà máy điện hạt nhân đầu tiên trên thế giới với Bác, còn có Tổng bí thư Đảng Lao động Việt Nam Trường Chinh. Sau chuyến thăm này của Người, một số cán bộ trẻ của Việt Nam đã được cử đi học tại Liên Xô về năng lượng nguyên tử, trong đó có GS, TS. Nguyễn Đình Tứ, GS, VS. Nguyễn Văn Hiệu. Đây là tiền đề cho việc xây dựng nên ngành năng lượng nguyên tử hiện nay của chúng ta.
Sau khi thống nhất đất nước, để xây dựng ngành năng lượng nguyên tử, trong khuôn khổ hợp tác Liên Xô – Việt Nam, lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt đã được Liên Xô giúp đỡ thiết kế khôi phục và mở rộng công suất lên gấp đôi (1979 – 1984), đưa vào vận hành chính thức ngày 20/3/1984.
Ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam đã phát triển mạnh từ mốc thời gian đó và đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, đặc biệt trong các lĩnh vực khoa học cơ bản, y học bức xạ, ứng dụng trong công nghiệp, nông nghiệp và tài nguyên môi trường. Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt được phía Nga, cũng như Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đánh giá là một trong những lò phản ứng nghiên cứu hoạt động hiệu quả nhất.
Các nghiên cứu để sử dụng ĐHN đã được tiến hành từ cuối những năm 1990 của thế kỷ trước, một thế hệ chuyên gia hạt nhân đầu tiên ở Viện Năng lượng Nguyên tử Quốc gia do GS, TS. Nguyễn Đinh Tứ lãnh đạo đã xúc tiến chuẩn bị chương trình ĐHN rất công phu và thận trọng.
Trong tình hình phức tạp sau vụ tai nạn Chernobyl, Việt Nam đã kiên trì hợp tác với IAEA tiến hành nghiên cứu một cách có hệ thống về dự báo nhu cầu năng lượng. Vào năm 1996 Đề tài cấp Nhà nước KC-09-17 do Viện Khoa học và Kỹ thuật Hạt nhân chủ trì đã đưa ra nhận định quan trọng: Đến năm 2015 nhu cầu sử dụng điện của Việt Nam sẽ vượt khả năng cung ứng của các nguồn phát nội địa. Khi đó, ngoài việc nhập khẩu than và điện lưới, nước ta cần bắt đầu xây dựng các nhà máy ĐHN để bù lấp khoảng trống.
Một số nghiên cứu cụ thể hơn như Đề tài KHCN-09-04 (Viện Năng lượng Nguyên tử chủ trì) và Dự án Nghiên cứu phát triển ĐHN (Bộ Công nghiệp, nay là Bộ Công Thương chủ trì) đều tái khẳng định nhu cầu tất yếu phải bổ sung nguồn ĐHN sau năm 2015. Vì vậy, lựa chọn khả thi hơn cả đối với Việt Nam sẽ là phải kết hợp tối ưu các dạng điện năng khác nhau, trong đó ĐHN là một thành phần bình đẳng, sẽ từng bước được cải tiến và hoàn thiện theo xu hướng an toàn và sạch.
Năm 2002, dựa vào kết luận trên, Thủ tướng đã thành lập Tổ công tác Chính phủ để chủ trì xây dựng Chiến lược phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử và lập dự án tiền khả thi nhà máy ĐHN đầu tiên của Việt Nam. Kết quả là năm 2006, Chính phủ phê duyệt “Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020” và giữa năm 2008 Quốc hội thông qua Luật Năng lượng Nguyên tử.
Ngày 25/11/2009, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư dự án ĐHN Ninh Thuận tại Nghị quyết số 41/2009/QH12. Theo đó, Việt Nam dự định xây dựng 2 nhà máy ĐHN có tổng công suất trên 4.000 MW sử dụng công nghệ lò nước nhẹ cải tiến, thế hệ lò hiện đại nhất đã được kiểm chứng, dự định sẽ đưa tổ máy thứ nhất vận hành vào năm 2020. Công nghệ dự định xây dựng và sử dụng cho 2 nhà máy ĐHN được chuyển giao từ Nga và Nhật Bản – hai quốc gia hàng đầu về công nghệ ĐHN.
Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, do tình hình phát triển kinh tế vĩ mô của Việt Nam có nhiều thay đổi so với thời điểm quyết định đầu tư dự án. Mặt khác, Việt Nam cần nguồn vốn lớn để đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại nhằm tạo động lực cho phát triển kinh tế, xã hội, cũng như giải quyết các vấn đề do biến đổi khí hậu gây ra, chính vì vậy, tại Nghị quyết số 31/2016/QH14 ngày 22/11/2016 Quốc hội cũng đã thông qua “Dừng thực hiện chủ trương đầu tư Dự án ĐHN Ninh Thuận”.
Trước thời điểm Quốc hội thông qua Nghị quyết trên, Việt Nam đã tổ chức thực hiện các công việc như:
1/ Đã quy hoạch địa điểm xây dựng các nhà máy điện hạt nhân.
2/ Trình Thủ tướng Chính phủ hồ sơ phê duyệt địa điểm và Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1.
3/ Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 đã được tư vấn quốc tế hoàn thiện và nộp cho EVN để thẩm tra.
4/ Việt Nam đã khẳng định sẽ lựa chọn công nghệ hiện đại nhất thế hệ 3+ của Nga là loại lò AES-2006 (VVER-1200/V491) cho Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và lựa chọn hai loại công nghệ là ATMEA1 (liên doanh Nhật và Pháp) và AP1000 (Mỹ) để xem xét tiếp cho Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2.
5/ Cơ sở hạ tầng chuẩn bị cho thi công và dự án di dân tái định cư đang được thực hiện đồng bộ.
6/ Đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực cấp quản lý, Việt Nam đã cử 362 sinh viên đi học trình độ đại học các ngành năng lượng nguyên tử (NLNT) tại Liên bang Nga; cử hơn 200 lượt cán bộ, giảng viên thuộc các trường đại học được giao nhiệm vụ đào tạo trình độ đại học trong lĩnh vực NLNT sang nghiên cứu chuyên sâu tại Hungary. Đã tổ chức 46 khóa bồi dưỡng ở trong và ngoài nước cho khoảng 420 lượt cán bộ của các bộ, cơ quan liên quan.
7/ Về đào tạo nhân lực cho các dự án nhà máy ĐHN tại tỉnh Ninh Thuận: EVN đã cử đi đào tạo hơn 275 sinh viên cho Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1; cử 28 cán bộ sang Nhật Bản đào tạo dài hạn 2 năm để trở thành cán bộ nòng cốt của Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 2. Bên cạnh đó, EVN cũng đã tổ chức nhiều hội thảo trong nước cho hơn 500 lượt cán bộ, cử nhiều lượt cán bộ đi bồi dưỡng ngắn hạn về quản lý và kỹ thuật tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Nga…
8/ Trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật phục vụ xây dựng nhà máy ĐHN: Về cơ bản, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ đã ban hành tương đối đầy đủ các các Nghị định, Quyết định, Thông tư để bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc khởi công xây dựng nhà máy ĐHN đầu tiên.
9/ Về công tác thông tin tuyên truyền, Chính phủ đã có Quyết định số 370/QĐ-TTg ngày 28/2/2013 phê duyệt Đề án thông tin, tuyên truyền về phát triển ĐHN ở Việt Nam đến năm 2020.
10/ Bên cạnh đó, Việt Nam đã tham gia hầu hết các công ước quốc tế quan trọng nhất trong lĩnh vực hạt nhân. Chỉ trong giai đoạn 10 năm (từ năm 2006), Việt Nam đã gia nhập/ký mới 5 công ước quốc tế, tham gia 2 sáng kiến về an ninh hạt nhân; hợp tác với IAEA trong việc phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân, bảo đảm an toàn, an ninh và không phổ biến vũ khí hạt nhân. Cùng với đó, các bộ, ngành đã đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia đối tác (LB Nga và Nhật Bản) và các quốc gia có kinh nghiệm trong phát triển ĐHN như Mỹ, Pháp…
Yêu cầu trước bối cảnh mới:
Ngày 11/2/2020, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến 2030, tầm nhìn 2045. Nghị quyết nêu rõ: “Tiếp tục bồi dưỡng, đào tạo nâng cao đội ngũ cán bộ đã được đào tạo về ĐHN”.
Trong báo cáo giám sát về việc thực hiện Nghị quyết số 31/2016/QH14 ngày 22/11/2016 của Quốc hội, mới đây, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đánh giá ĐHN được các quốc gia công nhận là điện sạch, phát thải khí nhà kính rất thấp. Sau Hội nghị COP 26, Việt Nam xem xét phát triển ĐHN trong giai đoạn tiếp theo sẽ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển kinh tế độc lập, tự chủ và bảo đảm an ninh hệ thống điện với nhu cầu đa dạng nguồn phát. Tuy nhiên, cần có đánh giá đầy đủ, khoa học, chính xác thực trạng và dự báo cung cầu năng lượng. “Trước mắt, cần có chủ trương của Đảng và từ đó tính toán quy hoạch điện hạt nhân và nghiên cứu tái khởi động dự án ở Ninh Thuận vào thời điểm thích hợp” – Báo cáo của Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội nêu.
Để chuẩn bị cho quá trình này, cơ quan thẩm tra của Quốc hội đề nghị Chính phủ xem xét tạm giữ quy hoạch với các vị trí dự kiến xây dựng Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 và 2 cho đến khi có quyết định chính thức. Bởi thực tế, việc chọn địa điểm xây dựng nhà máy đưa vào quy hoạch là quá trình lâu dài, tuân thủ quy định chặt chẽ và rất tốn kém.
Mặt khác, nhiều năm gần đây, tốc độ tăng trưởng điện năng của Việt Nam đều ở mức 2 con số, thường từ 1,5 – 1,8 lần tốc độ tăng trưởng GDP: Giai đoạn 2000 – 2010 là 13%, 2011 – 2019 là 10,5% (trừ 2020 tăng trưởng thấp do dịch Covid-19). Việc phát triển năng lượng theo hướng bền vững, đảm bảo cung cấp đủ, ổn định nguồn điện năng với giá thành hợp lý luôn là thách thức đối với Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam cần phải có những nghiên cứu, kế hoạch tích hợp, chuyển đổi cơ cấu sử dụng năng lượng phù hợp, hiệu quả cho đất nước, đồng thời góp phần cùng cộng đồng quốc tế thực hiện trách nhiệm đã cam kết.
II. Các đề xuất, kiến nghị:
Căn cứ tình hình thực tế đã triển khai dự án ĐHN Ninh Thuận như trên, căn cứ vào sự phát triển của ĐHN trên thế giới, thì việc chọn thời điểm để tái khởi động xây dựng nhà máy ĐHN là vấn đề cấp thiết đặt ra. Một số chuyên gia, nhà khoa học đề xuất, kiến nghị Chính phủ và các cơ quan chức năng:
Thứ nhất: Chỉ đạo sớm triển khai xây dựng Trung tâm nghiên cứu phát triển ĐHN đã được phê duyệt trong Quy hoạch điện VIII; tiếp tục xem xét đưa điện hạt nhân vào tầm nhìn của Quy hoạch điện VIII với công nghệ lò nước nhẹ, thế hệ 3+ đã được kiểm chứng, để có cơ sở chuẩn bị cho việc tái khởi động xây dựng nhà máy ĐHN (trong giai đoạn sau năm 2030) và giữ nguồn nhân lực, cơ sở vật chất về điện hạt nhân mà Việt Nam đã đào tạo.
Thứ hai: Đề nghị Chính phủ giữ các địa điểm Phước Dinh (dự án ĐHN Ninh Thuận 1) và Vĩnh Hải (dự án ĐHN Ninh Thuận 2) tại tỉnh Ninh Thuận cho việc phát triển ĐHN trong tương lai. Rà soát lại các địa điểm còn lại (6 địa điểm trong 8 địa điểm đã được quy hoạch tại Quyết định số 906/QĐ-TTg ngày 17 tháng 6 năm 2010 Thủ tướng Chính phủ). Đây là những địa điểm đã được xem xét so sánh, vì vậy cần phải có kế hoạch sử dụng cụ thể sao cho phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của các tỉnh, địa phương có quy hoạch dự án.
Thứ ba: Chỉ đạo hoàn thiện xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ĐHN cho công tác thẩm định và phê duyệt địa điểm xây dựng nhà máy ĐHN. Trong thời gian tới, Chính phủ cần chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu xây dựng, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ cho công tác xây dựng nhà máy ĐHN như: Sửa đổi Luật Năng lượng Nguyên tử và các văn bản liên quan khác…
Thứ tư: Có cơ chế, chính sách cho sinh viên tốt nghiệp đào tạo các chuyên ngành ĐHN trở về nước, đặc biệt chú trọng sinh viên tốt nghiệp loại giỏi trở lên được đào tạo nâng cao. Mặt khác, cần nghiên cứu, xây dựng lại kế hoạch đào tạo dài hạn nhân lực cho chương trình phát triển ĐHN.
Thứ năm: Cần tiếp tục tuyên truyền về ĐHN, tạo sự ủng hộ và đồng thuận của công chúng phục vụ cho chương trình phát triển ĐHN của Việt Nam./.
LÃ HỒNG KỲ – VĂN PHÒNG BAN CHỈ ĐẠO QUỐC GIA VỀ PHÁT TRIỂN ĐIỆN LỰC
Tài liệu tham khảo:
– https://pris.iaea.org/PRIS/.
– https://pris.iaea.org/PRIS/CountryStatistics/CountryStatisticsLandingPage.aspx.
– https://www.world-nuclear.org/.
-http://vpcp.chinhphu.vn/Home/Hop-bao-Chinh-phu-chuyen-de-ve-Du-an-dien-hat-nhan/201611/20334.vgp.
– Các Báo cáo tình hình thực hiện dự án ĐHN Ninh Thuận của Ban Chỉ đạo nhà nước dự án ĐHN Ninh Thuận.
– Cá thế hệ lò ĐHN mới có thiết kế linh hoạt hơn nhiều so với trước đây. Công suất thấp nhất so với đầy tải là 25%, công suất tăng giảm 4-5%/phút (theo Dự thảo Cẩm nang công nghệ phát điện 2023, DEA và EREA).
Nguồn: nangluongvietnam