Nằm trong chuỗi các hoạt động nhằm triển khai Thỏa thuận hợp Hợp tác ba bên giữa Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) – Việt Nam – Lào ký tháng 9/2019, theo đề nghị từ Điều phối viên quốc gia (NLO) của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, IAEA đã mời các chuyên gia của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam tham gia Đoàn công tác tới làm việc tại Bộ Giáo dục và Thể thao (MOES) và các cơ quan, tổ chức có liên quan của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào từ ngày 27/6-01/7/2022 nhằm xác định và lập kế hoạch định hướng chiến lược cho các hoạt động hỗ trợ Lào trong phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế xã hội, cụ thể về các vấn đề:
- Đề xuất xây dựng khung pháp lý và chiến lược phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đich hòa bình;
- Xây dựng cơ quan pháp quy quản lý an toàn bức xạ và hạt nhân;
- Phát triển ứng dụng kỹ thuật kiểm tra không phá hủy (NDT) tại Cục Tiêu chuẩn và Đo lường (DSM);
- Thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật phục vụ quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân, bao gồm: đo liều bức xạ cá nhân (TLD và OSL) cho nhân viên bức xạ, thiết lập trường bức xạ chuẩn dùng cho hiệu chuẩn và bảo dưỡng các thiết bị ghi đo bức xạ, kiểm định thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế;
- Ứng dụng bức xạ trong việc tạo giống cây trồng mới bằng phương pháp gây đột biến gen.
Tham gia đoàn công tác có bà Trần Bích Ngọc – Phó Cục trưởng phụ trách Cục Năng lượng Nguyên tử (trưởng đoàn), ông Trần Ngọc Toàn – Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (NLNTVN), và các chuyên gia đến từ Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Viện Di truyền Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Trung tâm Đánh giá không phá hủy, Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân, Trung tâm Ứng dụng và Triển khai công nghệ bức xạ. Trung tâm Đánh giá không phá hủy có ông Nguyễn An Trung – Phó Giám đốc và ông Đinh Chí Hưng – Kỹ sư tham gia đoàn.
Trong chuyến công tác này, Đoàn đã làm việc với Vụ Khoa học (thuộc Bộ Giáo dục và Thể thao), Cục Tiêu chuẩn và Đo lường (thuộc Bộ Công Thương), Bệnh viện Mittapab, Đại học Khoa học tự nhiên (thuộc Đại học Quốc gia Lào), Cục Thủy sản và Chăn nuôi (thuộc Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp), Trung tâm Dinh dưỡng (Bộ Y tế), Viện Nghiên cứu tài nguyên nước và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và các cơ quan, tổ chức phía Lào tham gia vào các dự án Hỗ trợ kỹ thuật của IAEA đối với Lào.
Trên cơ sở trao đổi trực tiếp, thăm quan trực tiếp cơ sở vật chất, Đoàn công tác đã có những đánh giá hiện trạng và đưa ra 31 khuyến cáo đề xuất (cho IAEA, cho Chính phủ, cho các cơ quan, tổ chức có liên quan của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào) về các vấn đề: Hạ tầng quản lý và kỹ thuật cho phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử; Cơ quan quản lý nhà nước về an toàn, an ninh và thanh sát; Hạ tầng phục vụ đảm bảo an toàn bức xạ: thiết lập trường chuẩn liều bức xạ ion hóa, đo liều chiếu xạ cá nhân và hiệu chuẩn thiết bị đo liều cá nhân, hiệu chuẩn và bảo dưỡng thiết bị ghi đo bức xạ ion hóa, kiểm định chất lượng thiết bị bức xạ trong y tế; Một số ứng dụng năng lượng nguyên tử: NDT, chiếu xạ gây đột biến giống cây trồng. Báo cáo đánh giá hiện trạng và 31 khuyến cáo đề xuất này đã được rà soát với chuyên gia IAEA và sẽ được chuyển qua kênh chính thức của IAEA tới Chính phủ và các cơ quan có liên quan của Cộng hòa dân chủ Nhân dân Lào.
Đối với lĩnh vực NDT, Đoàn công tác đã khuyến nghị phía Lào tiếp tục thực hiện và mở rộng dự án LAO1001 với sự hỗ trợ kinh phí từ IAEA trong việc phát triển nguồn nhân lực và tăng cường trang thiết bị cho phương pháp NDT, trong đó Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ cử chuyên gia đào tạo cán bộ Lào về các phương pháp NDT (tới bậc II), bao gồm cả việc mời tham gia các dự án NDT triển khai trong thực tế.
Một trong các mong muốn được phía bạn đưa ra là có đủ năng lực thực hiện các kỹ thuật kiểm tra an toàn đập do hiện nay tại Lào đã có hàng trăm đập thủy điện và thủy lợi. Và trên thực tế đã xảy ra một số vụ tại nạn liên quan đến vỡ đập gây thiệt hại về con người và tài sản, ví dụ như tai nạn tại Attapeu năm 2018.
Các chuyên gia IAEA và các cán bộ của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào đánh giá cao hợp tác giữa Việt Nam và Lào đặc biệt là việc thực hiện Nghị định thư Việt – Lào giai đoạn 2018-2021 hỗ trợ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào xây dựng và thiết lập trang thiết bị, năng lực kỹ thuật ban đầu cho Trung tâm Kiểm tra không phá hủy và kỹ thuật hạt nhân, trực thuộc Cục Tiêu chuẩn và Đo lường, Bộ Công thương. Trên thực tế, Trung tâm đã được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 2/2020.
Ngày 01/7/2022, Đoàn công tác cùng chuyên gia IAEA đã có buổi làm việc với các cơ quan có liên quan của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào rà soát các Bản kế hoạch hành động chi tiết (Action Plan) giai đoạn 2022-2023 với sự tham gia hỗ trợ của Việt Nam về các vấn đề: Hạ tầng an toàn bức xạ-hạt nhân, hạ tầng hỗ trợ kỹ thuật, kiểm tra không phá hủy, Chiếu xạ đột biến giống cây trồng. Các bản kế hoạch này sẽ là cơ sở cho việc gia hạn Thỏa thuận hợp tác 3 bên IAEA-Việt Nam- Lào nhân kỳ họp Đại hội đồng IAEA lần thứ 66 tại Viên, Áo vào tháng 9/2022.
Đoàn công tác của các chuyên gia Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ và được IAEA cũng như cán bộ của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào đánh giá cao về năng lực, tính chuyên nghiệp và nghiêm túc trong công việc. Kết quả chuyến công tác cho thấy các cán bộ của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam sẵn sàng tham gia vào các hoạt động hỗ trợ quốc tế với vai trò là chuyên gia của IAEA. Điều này đã nâng cao vài trò và tăng uy tín của Việt Nam trong khu vực, và là điểm nhấn cho chu kỳ Thỏa thuận hợp tác 3 bên đầu tiên với nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh, làm tiền đề cho việc gia hạn Thỏa thuận hợp tác vào tháng 9/2022 tới đây. Việc triển khai hợp tác ba bên với Lào cùng IAEA về năng lượng nguyên tử sẽ góp phần củng cố tình hữu nghị, thúc đẩy hợp tác song phương, đa phương, củng cố tình đoàn kết hữu nghị giữa Việt Nam và Lào.
Thông tin thêm: Dự án hợp tác 3 bên được Việt Nam và IAEA khởi xướng bên lề của Hội nghị Khoa học và Công nghệ Hạt nhân Việt Nam lần thứ 12 vào tháng 8/2017 tại Nha Trang, Việt Nam. Tại Hội nghị này, Thứ trưởng Bộ KH&CN Việt Nam Phạm Công Tạc đã thảo luận với bà Najat Mokhtar – Giám đốc Ban châu Á Thái Bình Dương, Vụ Hợp tác kỹ thuật (nay là Phó Tổng Giám đốc IAEA) về đề xuất xây dựng dự án hợp tác kỹ thuật 3 bên để hỗ trợ CHDCND Lào nhằm đóng góp vào việc thúc đẩy các cơ chế hợp tác kỹ thuật giữa các quốc gia đang phát triển (TCDC) cũng như hợp tác Nam-Nam (South – South cooperation). IAEA đánh giá cao và ủng hộ mạnh mẽ ý tưởng này. Trong nhiều năm qua, với sự hình thành và phát triển ngành năng lượng nguyên tử (NLNT) hơn 40 năm trên cơ sở lò hạt nhân nghiên cứu Đà Lạt, cũng như thông qua hỗ trợ của IAEA trong các dự án hợp tác kỹ thuật (TC) quốc gia, khu vực và liên khu vực, năng lực của Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử đã đạt trình độ hàng đầu trong khu vực, đóng góp tốt cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Bên cạnh đó, CHDCND Lào là những quốc gia mới tham gia vào các chương trình hợp tác của IAEA. Vì vậy, thông qua Dự án ba bên, một mặt Việt Nam có thể hỗ trợ IAEA trong việc hướng dẫn CHDCND Lào xây dựng dự án, mặt khác có thể cung cấp hỗ trợ kỹ thuật về ứng dụng NLNT vào các ngành kinh tế kỹ thuật cho hai nước láng giềng trên cơ sở năng lực kỹ thuật đã phát triển của quốc gia, cũng như xây dựng hạ tầng pháp quy để sử dụng NLNT một cách an toàn và an ninh.
|