Ngày 18-6-2024, tại trụ sở chính của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (NLNTVN) – 59 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Viện NLNTVN phối hợp với Công ty Luật ASL tổ chức Hội thảo: “Sáng chế và giải pháp hữu ích” dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến. Mục đích của Hội thảo này là nhằm nâng cao kiển thức về sở hữu trí tuệ cũng như đẩy mạnh hoạt động đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.

Đại diện lãnh đạo các đơn vị và các nhóm nghiên cứu Viện NLNTVN tham dự Hội thảo và các luật sư Công ty Luật ASL chụp hình lưu niệm

Tham dự Hội thảo về phía Viện NLNTVN có: TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng cùng các cán bộ đại diện lãnh đạo đơn vị và các nhóm nghiên cứu của Viện như: Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân, Viện Nghiên cứu hạt nhân, Viện Công nghệ xạ hiếm, Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu và Triển khai công nghệ bức xạ, Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp, Trung tâm Hạt nhân thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Đánh giá không phá hủy, Văn phòng, Ban Kế hoạch và Quản lý khoa học, Ban Hợp tác quốc tế. Về phía Công ty Luật ASL có: Luật sư Đỗ Bá Thích và các cộng sự.

Tại Hội thảo, Luật sư Đỗ Bá Thích đã điểm lại những con số thống kê về số lượng đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích, cũng như số lượng văn bằng được cấp trong thời gian qua của các viện nghiên cứu. Luật sư đi sâu vào trình bày các nội dung: Tìm hiểu chung về Sáng Chế, Giải pháp hữu ích (GPHI); Lợi ích của việc đăng ký Sáng Chế, GPHI; Điều kiện đăng ký Sáng Chế, GPHI; Các công việc cần thực hiện và thời gian thực hiện.

Luật sư Đỗ Bá Thích trình bày tại Hội thảo

 Theo báo cáo của Cục Sở hữu trí tuệ tại Hội nghị quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ (SHTT) năm 2024, trong giai đoạn 2014- 2023: Số đơn đăng ký sáng chế/GPHI tại Việt Nam tăng 9,8 %/năm; Số đơn đăng ký sáng chế/GPHI của chủ thể Việt Nam tăng 12 %/năm; Các chủ thể nước ngoài có tổng số đơn đăng ký sáng chế cao hơn 7 lần so với chủ thể Việt Nam (60.517 đơn so với 7.560 đơn); Năm 2023, số đơn của chủ thể Việt Nam là 991, số đơn của chủ thể nước ngoài là 8.469. Điều đó cho thấy là số lượng đơn của chủ thể Việt Nam còn hạn chế, còn nhiều dư địa phát triển. Một số lý do khiến cho tác giả không đăng ký sáng chế: Các đơn vị/tổ chức/cá nhân chưa biết các đối tượng nào có thể đăng ký sáng chế; Các đơn vị/tổ chức/cá nhân chưa hiểu biết rõ lợi ích của việc đăng ký; Thời gian đăng ký sáng chế từ lúc nộp đơn cho đến thời điểm cấp văn bằng tương đối dài trong thực tiễn; Một số đơn vị/tổ chức/cá nhân có tâm lý ngại ngần trong thực hiện các thủ tục và chuẩn bị hồ sơ đăng ký.

          Về nội dung tìm hiểu chung về Sáng chế, GPHI: Luật sư Đỗ Bá Thích giới thiệu khái quát các thông tin về sáng chế theo quy định Luật SHTT hiện hành, trong đó đưa ra các ví dụ trực quan về các sáng chế có cùng chung lĩnh vực kỹ thuật với lĩnh vực hoạt động của Viện. Theo đó, Luật sư Đỗ Bá Thích cũng phân biệt sáng chế đối với một số đối tượng khác hay bị nhầm lẫn với sáng chế như phát minh và bí mật kinh doanh. Trên cơ sở các sản phẩm và dịch vụ của Viện, Luật sư cũng đưa ra những tư vấn về các sản phẩm/dịch vụ nào nên tiến hành đăng ký sáng chế, các sản phẩm/dịch vụ nào không thể tiến hành đăng ký và/hoặc không nên đăng ký. Từ đó, đưa ra góc nhìn rõ hơn cho các cán bộ nghiên cứu về việc bảo hộ sáng chế.

            Về vấn đề Lợi ích của việc đăng ký Sáng chế, GPHI: Luật sư Đỗ Bá Thích nhấn mạnh đến tầm quan trọng và lợi ích của việc đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích trong hoạt động của các đơn vị/tổ chức/cá nhân, đặc biệt ở các khía cạnh sau: Độc quyền công nghệ; Ngăn chặn các bên khác sao chép hoặc sử dụng công nghệ mà không được phép; Bảo vệ sự sáng tạo và đầu tư của chủ đơn/chủ văn bằng bảo hộ trong hoạt động nghiên cứu và phát triển; Đảm bảo lợi thế cạnh tranh; Duy trì lợi thế cạnh tranh thông qua việc độc quyền sử dụng những công nghệ tiên tiến; Từ đó tạo ra các sản phẩm có giá trị cao hơn trên thị trường; Tạo ra nguồn thu nhập; Tăng uy tín của chủ sở hữu và giá trị sản phẩm; Gia tăng cơ hội học hàm, học vị ( Đối với NCS: yêu cầu bài báo khoa học có thể được thay thế bằng kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ đã đăng ký và được cấp bằng độc quyền sáng chế quốc gia/quốc tế (Điểm d, Khoản 1, Điều 14, Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT); Tiêu chuẩn phó giáo sư: Ứng viên là tác giả chính đã công bố được ít nhất 03 bài báo khoa học hoặc (và) bằng độc quyền sáng chế; giải pháp hữu ích […] (Điểm b, Khoản 4, Điều 6, Quyết định 37/2018/QĐ-TTg); Tiêu chuẩn giáo sư: Ứng viên là tác giả chính đã công bố được ít nhất 05 bài báo khoa học hoặc (và) bằng độc quyền sáng chế; giải pháp hữu ích […] (Điểm b, Khoản 4, Điều 5, Quyết định 37/2018/QĐ-TTg).

            Về điều kiện đăng ký Sáng chế, GPHI: Luật sư Đỗ Bá Thích đưa ra các quy định về cách xác định tính mới của một đối tượng là sản phẩm hay quy trình, và cũng đề cập đến thực tiễn các trường hợp hay bị mất tính mới của đơn như: Đưa sáng chế (dạng sản phẩm) vào khai thác kinh doanh thương mại trước khi tiến hành đăng ký; Công bố ảnh chụp, bản vẽ, video… của sáng chế lên website, diễn đàn, mạng xã hội ngay sau khi hoàn thành nghiên cứu mà không tiến hành đăng ký trước;  Đem các sản phẩm, giải pháp kỹ thuật tham gia các cuộc thi khoa học – công nghệ trước khi đăng ký.

Luật sư Đỗ Bá Thích cũng đưa ra những lưu ý với các tác giả, nhà nghiên cứu là nên cân nhắc đăng ký sáng chế trước hoặc trong thời hạn khi bộc lộ công khai các kết quả nghiên cứu. Ngoài ra, điều kiện về trình độ sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp trong khi đăng ký sáng chế cũng được thảo luận và trao đổi sôi nổi trong thực tiễn áp dụng đối với các hoạt động của Viện.

            Về quy trình đăng ký sáng chếLuật sư Đỗ Bá Thích trình bày quy trình đăng ký sáng chế tại Việt Nam theo quy định và và tiến trình hỗ trợ các khách hàng khi đơn được thẩm định tại Cục SHTT Việt Nam.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học, những cán bộ là những người làm nghiên cứu trực tiếp đã có nhiều câu hỏi, trao đổi và thảo luận sôi nổi về những vấn đề Luật sư Đỗ Bá Thích trình bày như: Các quyền lợi của nhóm tác giả được giao nhiệm vụ thực hiện nghiên cứu về một đề tài khoa học và sau đó kết quả của đề tài được đem đi đăng ký sáng chế (chủ đơn đăng ký sáng chế) sẽ được xác định như thế nào (Theo Khoản 1 Điều 86a Luật Sở hữu trí tuệ, đối với sáng chế là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng toàn bộ ngân sách nhà nước, quyền đăng ký sáng chế được giao cho tổ chức/cơ quan chủ trì; Nhóm tác giả được quyền liên quan đến quyền nhân thân và quyền được trả thù lao); Sáng chế và giải pháp hữu ích được bảo hộ trong phạm vi quốc gia hay quốc tế (Sáng chế và giải pháp hữu ích được bảo hộ theo phạm vi quốc gia/vùng lãnh thổ. Tức là chủ đơn mong muốn bảo hộ tại quốc gia/vùng lãnh thổ nào cần phải đăng ký bảo hộ tại quốc gia/vùng lãnh thổ đó); Quy định pháp luật như thế nào trong trường hợp chuyển quyền sử dụng sáng chế/giải pháp hữu ích cho bên thứ ba? Nhóm tác giả thực hiện đề tài có được hưởng lợi từ việc chuyển quyền sử dụng này hay không (Chuyển quyền sử dụng sáng chế/giải pháp hữu ích phải được thực hiện dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản (hợp đồng chuyển quyền sử dụng), theo quy định tại Khoản 2 Điều 141 Luật SHTT Bên chuyển quyền và bên được chuyển quyền có thể lựa chọn một trong các dạng hợp đồng chuyển quyền sử dụng sau, được liệt kê tại Điều 143 Luật này: Hợp đồng độc quyền; Hợp đồng không độc quyền; Hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp thứ cấp. Sau khi được ký kết, hợp đồng chuyển quyền sử dụng có hiệu lực theo thỏa thuận giữa các bên; tuy nhiên, hợp đồng này phải được đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp (Cục Sở hữu trí tuệ) mới có giá trị pháp lý với một bên thứ ba ngoài bên chuyển quyền và bên nhận chuyển quyền, theo quy định tại Khoản 2 và 3 Điều 148 Luật Sở hữu trí tuệ; Tác giả/nhóm tác giả có các quyền sau: Quyền nhân thân: quyền được ghi tên trong văn bằng bảo hộ và quyền được nêu tên trong các tài liệu công bố, giới thiệu sáng chế và quyền này được bảo lưu cho tác giả sáng chế/giải pháp hữu ích kể cả khi quyền sử dụng và thậm chí là quyền sở hữu đối với sáng chế/giải pháp hữu ích được chuyển giao, chuyển nhượng cho một bên khác; Quyền được trả thù lao: nhằm trả giá cho công sức sáng tạo, chi phí đầu tư của tác giả sáng chế. Tác giả sáng chế có quyền nhận thù lao trong suốt thời hạn bảo hộ sáng chế. Pháp luật không ấn định một mức thù lao cụ thể nào cho từng sáng chế bởi mỗi sáng chế được tạo ra với những cách thức, công đoạn và sức sáng tạo khác nhau. Thông thường mức thù lao do chính tác giả sáng chế tự thỏa thuận với bên chủ sở hữu, tuy nhiên, để bảo vệ quyền lợi cho tác giả sáng chế, Điều 135 Luật Sở hữu trí tuệ quy định mức thù lao tối thiểu mà chủ sở hữu sáng chế phải trả cho tác giả sáng chế. Theo đó, mức thù lao tối thiểu được tính như sau: 10% số tiền làm lợi mà chủ sở hữu thu được do sử dụng sáng chế/giải pháp hữu ích (ví dụ như đưa sáng chế vào sản xuất, khai thác trên thực tế) và 15% tổng số tiền mà chủ sở hữu nhận được trong mỗi lần nhận tiền thanh toán do chuyển giao quyền sử dụng sáng chế/giải pháp hữu ích. Trong trường hợp sáng chế/giải pháp hữu ích là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, chủ sở hữu sáng chế/giải pháp hữu ích trả thù lao cho tác giả theo quy định sau đây: Tối thiểu 10% và tối đa 15% lợi nhuận trước thuế mà chủ sở hữu thu được do sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp; Tối thiểu 15% và tối đa 20% tổng số tiền mà chủ sở hữu nhận được trong mỗi lần nhận tiền thanh toán do chuyển giao quyền sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp trước khi nộp thuế theo quy định. Đặc biệt lưu ý rằng, trường hợp sáng chế/giải pháp hữu ích có đồng tác giả, mức thù lao như quy định trên là mức dành cho các đồng tác giả. Các đồng tác giả tự thỏa thuận việc phân chia số tiền thù lao do chủ sở hữu sáng chế/giải pháp hữu ích đó chi trả./.

Nguồn: Nguyễn Thị Thu Hà (Vinatom)