Ngày 10/5/2022, tại trụ sở Trung tâm Đánh giá không phá hủy (NDE) – đơn vị trực thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (NLNTVN) đã diễn ra Lễ khai giảng Khóa đào tạo kiểm tra không phá hủy (NDT) bậc II cho cán bộ kỹ thuật và quản lý chất lượng của Viện Hàng không vũ trụ Viettel, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel).

Sau hai khóa đào tạo đã được tổ chức vào năm 2017 và 2020, Viện Hàng không vũ trụ Viettel tin tưởng và tiếp tục hợp tác với Trung tâm NDE triển khai khóa đào tạo thứ ba về NDT bậc II có quy mô lớn với 7 phương pháp (UTM, UT, MT, PT, RT, VI và ECT) cho 72 lượt học viên, kéo dài trong 2 tháng.

Toàn cảnh Lễ khai giảng khóa đào tạo

Tham dự Lễ khai giảng Khóa đào tạo có ông Trần Ngọc Toàn, Phó Viện trưởng Viện NLNTVN; bà Đặng Thị Thu Hồng, Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm NDE; ông Nguyễn An Trung, Phó Giám đốc Trung tâm NDE; ông Đặng Lê Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Cơ khí và Công nghệ chế tạo, Viện Hàng không vũ trụ Viettel cùng các học viên của Viện Hàng không vũ trụ Viettel.

Phát biểu tại Lễ khai giảng, ông Trần Ngọc Toàn chúc mừng các đại biểu, giảng viên và học viên tham dự Lễ khai giảng và đánh giá Viện Hàng không vũ trụ Viettel là đơn vị có nhiệm vụ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất các loại máy bay không người lái (UAV), các loại trang bị kỹ thuật công nghệ cao theo yêu cầu nhiệm vụ quân sự và phục vụ phát triển kinh tế – xã hội; liên kết hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước về nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ, xây dựng và đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực hàng không vũ trụ. Về phía đơn vị giảng dạy, Trung tâm NDE là đơn vị hàng đầu tại Việt Nam trong việc nghiên cứu, phát triển và triển khai các kỹ thuật NDT từ truyền thống đến tiên tiến vào các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, giao thông trọng điểm. Trong những năm qua Trung tâm liên tục được đầu tư, tăng cường tiềm lực về trang thiết bị và đội ngũ giảng viên, chuyên gia theo tiêu chuẩn quốc tế. Vào đầu tháng 5/2022, Trung tâm NDE đã được đánh giá và cấp chứng nhận Hệ thống Quản lý chất lượng đào tạo kỹ thuật viên NDT theo ISO 9001. Với kinh nghiệm và năng lực như vậy, ông Toàn tin tưởng NDE sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo, góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ kỹ thuật, quản lý chất lượng cho một trong những đơn vị nghiên cứu, ứng dụng trong lĩnh vực hàng không quốc phòng và vũ trụ hàng đầu tại Việt Nam. Ông Toàn cũng bày tỏ mong muốn trong tương lai, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam và Viện Hàng không vũ trụ Viettel sẽ có những hợp tác về các vấn đề chuyên môn chung mà hai bên cùng quan tâm như đánh giá mức độ tác động của phóng xạ vũ trụ tới các thiết bị, hệ thống hàng không, vũ trụ hay đẩy mạnh kỹ thuật NDT trong kiểm soát chất lượng của các sản phẩm quốc phòng, v.v..

Ông Trần Ngọc Toàn, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam phát biểu tại Lễ khai giảng khóa đào tạo

Phát biểu tại Lễ khai giảng, ông Đặng Lê Thắng chia sẻ: qua 5 năm xây dựng và phát triển kể từ khi thành lập vào năm 2017, Viện Hàng không vũ trụ Viettel đã triển khai thành công nhiều dự án quan trọng, trong đó có những lĩnh vực rất mới, khó và phức tạp đối với Việt Nam cũng như trên thế giới. Nhiều dự án đã được nghiệm thu với những kết quả đột phá trong lĩnh vực hàng không, vũ trụ, đưa Việt Nam trở thành một trong số ít các nước trên thế giới có khả năng làm chủ các trang bị kỹ thuật và sản phẩm công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở lĩnh vực này. Nhân dịp này, ông Đặng Lê Thắng cảm ơn Trung tâm NDE, Viện NLNTVN đã góp phần giúp Viện Hàng không vũ trụ Viettel đạt được những thành tích trên và chúc Trung tâm NDE ngày càng thực hiện tốt công tác nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực thử nghiệm, đánh giá, giám định và kiểm định chất lượng sản phẩm, công trình bằng các kỹ thuật thử nghiệm không phá hủy và đào tạo cho Việt Nam thêm nhiều thế hệ cán bộ NDT.

Ông Đặng Lê Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Cơ khí và Công nghệ chế tạo, Viện Hàng không vũ trụ Viettel phát biểu tại Lễ khai giảng

Đại diện cho Trung tâm NDE, bà Đặng Thị Thu Hồng cho biết: Hiện nay, Trung tâm NDE đang là đơn vị đứng đầu cả nước trong lĩnh vực đào tạo, đánh giá, cấp chứng nhận NDT từ bậc I đến bậc III về số lượng học viên cũng như truyền thống giảng dạy. Trong những năm gần đây, hàng năm Trung tâm NDE đã đào tạo được từ 400 đến 500 lượt cán bộ NDT cho Việt Nam. Với sứ mệnh đặt ra “Chất lượng-Sự đảm bảo cho tương lai”, Trung tâm NDE đang không ngừng góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua các chương trình đào tạo bài bản không chỉ cho các đơn vị trong nước mà còn cho các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Bà Đặng Thị Thu Hồng, Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm NDE phát biểu tại Lễ khai giảng khóa đào tạo

Là đơn vị tổ chức, Trung tâm NDE luôn nhận thức rõ trách nhiệm làm thế nào để chuyển tải lượng kiến thức tốt và hiệu quả nhất cho học viên đến từ các đơn vị thành viên của Viện Hàng không vũ trụ Viettel, do vậy ngay từ khi xây dựng Chương trình đào tạo đến kế hoạch đào tạo, yêu cầu về trang thiết bị, cơ sở vật chất luôn đảm bảo chất lượng và đáp ứng các yêu cầu theo ISO 25107:2018 (Các yêu cầu dành cho tổ chức đào tạo NDT). Bà Đặng Thị Thu Hồng chia sẻ thêm: Với thời lượng và số lượng phương pháp học ở khóa đào tạo này là rất lớn, do vậy rất mong lãnh đạo đơn vị tạo điều kiện tốt nhất để cán bộ/học viên có thể tham gia học đầy đủ, đáp ứng yêu cầu thi đánh giá đạt kết quả cao.

Khóa đào tạo này cũng là dịp để hai bên chia sẻ, trao đổi chuyên môn cũng như hiểu biết lẫn nhau trong lĩnh vực Công nghiệp quốc phòng và ứng dụng khác trong thực tiễn.

Hy vọng trong thời gian tới, Trung tâm Đánh giá không phá hủy, Viện NLNT VN có nhiều cơ hội hợp tác với đơn vị trong các hoạt động nghiên cứu, đề ra các giải pháp và kỹ thuật đáp ứng yêu cầu ngày càng cao với sự phát triển của Viện Hàng không vũ trụ Viettel nói riêng và sự nghiệp an ninh quốc phòng của Việt Nam nói chung.

Một số hình ảnh hoạt động thăm quan cơ sở vật chất và giới thiệu trang thiết bị

Kết thúc Lễ khai giảng khóa đào tạo, các đại biểu và học viên đã thăm quan phòng học lý thuyết và thực hành, cũng như được giới thiệu các trang thiết bị hiện có của Trung tâm sử dụng trong lĩnh vực NDT, trong đó có nhiều hệ thiết bị hiện đại và tiên tiến trên thế giới.

Nguồn: Nguyễn Thị Thu Hà, Ban Kế hoạch và Quản lý khoa học (Vinatom)