Ngày 05 tháng 10 năm 2021, tại Trung tâm Đánh giá không phá hủy – 140 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội đã diễn ra phiên họp Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu chính thức đề tài nghiên cứu cấp Bộ năm 2019-2020 về ” Nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật kiểm tra không phá hủy nhằm phát hiện ăn mòn dưới lớp bảo ôn cho một số đối tượng đường ống đặc trưng sử dụng trong một số nhà máy lọc dầu tại Việt Nam”, đề tài do ThS. Nguyễn Thế Mẫn làm chủ nhiệm, Trung tâm Đánh giá không phá hủy (NDE) là Cơ quan chủ trì, thời gian thực hiện 30 tháng (từ 01/2019 đến 06/2021).

Điều hành phiên họp là TS. Trần Ngọc Toàn – Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam – Chủ tịch Hội đồng, cùng các thành viên trong Hội đồng gồm các chuyên gia thuộc lĩnh vực vật lý hạt nhân, đánh giá hư hỏng vật liệu và ăn mòn, kiểm tra không phá hủy. Phiên họp còn có sự tham dự của bà Nguyễn Thị Định – Phó Trưởng ban KH&QLKH, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam và các cán bộ của Trung tâm NDE.

Tại phiên họp, Chủ nhiệm đề tài ThS. Nguyễn Thế Mẫn đã trình bày tóm tắt quá trình tổ chức thực hiện đề tài, báo cáo về sản phẩm khoa học và công nghệ và các kết quả đạt được của đề tài. Trong đó, nhấn mạnh đề tài đã thực hiện các nghiên cứu, thử nghiệm để xây dựng và áp dụng thành công 04 quy trình kiểm tra không phá hủy (NDT) nhằm phát hiện ăn mòn dưới lớp cách nhiệt/bảo ôn (CUI) trên một số đường ống điển hình đang được sử dụng tại Việt Nam. Trong đó, 02 phương pháp tầm soát nhanh vị trí có nguy cơ CUI cao mà không cần tháo gỡ lớp vỏ bọc bằng cách phát hiện độ ẩm trong lớp cách nhiệt – cơ chế gây ra CUI là: Chụp ảnh nhiệt hồng ngoại (IR), tán xạ ngược neutron (NB) và 02 phương phát định lượng cụ thể mất mát chiều dày do CUI là: Dòng điện xoáy xung (PEC) và chụp ảnh phóng xạ kỹ thuật số (DIR). Để có thể xây dựng các quy trình kiểm tra CUI sát với thực tế, đề tài đã thực hiện chế tạo hệ thử nghiệm và 18 mẫu thử nghiệm tương đồng với đối tượng trong kiểm tra về vật liệu, kích thước, cấu hình và điều kiện kiểm tra.

ThS. Nguyễn Thế Mẫn trình bày tóm tắt các kết quả đạt được của đề tài

Qua việc áp dụng các quy trình kiểm tra tại trạm phân phối khí Tiền Hải thuộc chi nhánh Khí Hải Phòng, Tổng công ty Khí Việt Nam, đã phát hiện một số vị trí mất mát chiều dày và đã được đo đạc và xác nhận lại là chính xác. Như vậy, kết quả từ việc áp dụng trong thực tế cho thấy các phương pháp kiểm tra không phá hủy hoàn toàn có thể áp dụng để phát hiện sớm ăn mòn dưới lớp cách nhiệt. Đồng thời, thông qua đề tài đã góp phần phát triển đội ngũ cán bộ kỹ thuật làm chủ được các thiết bị, công nghệ tiên tiến nhằm hướng đến giải quyết bài toán về kiểm tra, kiểm soát ăn mòn dưới lớp cách nhiệt trong ngành dầu khí và các công trình trọng điểm quốc gia khác.

Tại buổi nghiệm thu, sau khi chủ nhiệm trình bày tóm tắt kết quả đề tài các chuyên gia trong Hội đồng đã đưa ra những đóng góp ý kiến đối với đề tài về việc thống nhất cách thức lập và trình bày số liệu, chuẩn hóa quy trình qua đó hoàn thiện phương pháp kiểm tra để có thể phát triển và mở rộng cho các đối tượng khác không chỉ đường ống. Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao kết quả thực hiện nghiên cứu của chủ nhiệm và nhóm nghiên cứu. Đề tài rất có ý nghĩa phục vụ nhu cầu thiết yếu trong phát triển công nghiệp của đất nước, đây chính là bước khởi đầu cần tiếp tục phát triển, nâng cao hơn nữa các quy trình kiểm tra, kiểm soát ăn mòn dưới lớp cách nhiệt sẵn sàng hướng tới chuyển giao kết quả nghiên cứu nhằm đẩy mạnh ứng dụng trong thực tiễn.

Các thành viên trong Hội đồng kiểm tra hệ thiết bị và mẫu thử nghiệm

Phát biểu kết luận tại buổi họp, TS. Trần Ngọc Toàn đồng tình và đánh giá cao ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng và đề nghị nhóm thực hiện đề tài cần tiếp thu ý kiến để hoàn thiện các báo cáo. Kết quả nghiệm thu đề tài: Đạt.

Kết thúc phiên họp, Chủ nhiệm đề tài gửi lời cảm ơn tới Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Ban lãnh đạo Trung tâm Đánh giá không phá hủy đã quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ để đề tài hoàn thành theo đúng tiến độ, sản phẩm đáp ứng đúng theo yêu cầu đặt hàng.

Nguyễn Xuân Thao, Phòng Nghiên cứu & Triển khai Công nghệ