Mặc dù còn tồn tại một số ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề phát triển điện hạt nhân cả trong nước và trên thế giới, tuy nhiên không thể phủ nhận những đóng góp của điện hạt nhân đối với sự phát triển của nhiều quốc gia. Đặc biệt tại một số quốc gia phát triển như Pháp, Mỹ, Nga, Nhật Bản, Ukraina, Thụy Điển…, điện hạt nhân chiếm tỷ trọng rất cao trong cơ cấu nguồn phát điện. Qua sự phát triển thành công của các quốc gia đi trước, Việt Nam có thể cân nhắc về một nguồn cung năng lượng mới và có kế hoạch chuẩn bị các phương án dự phòng để đảm bảo nguồn cung điện cho phát triển kinh tế – xã hội trong tương lai xa.
Điện hạt nhân – bài toán năng lượng sạch tại các quốc gia phát triển
Do yêu cầu về phục vụ, nâng cao chất lượng cuộc sống và sản xuất, phát triển kinh tế, không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới, nhu cầu sử dụng điện luôn có xu hướng gia tăng qua mỗi năm. Trong năm 2020 và có thể kéo dài đến 1,2 năm nữa, tác động mạnh của dịch Covid-19 đã làm đình trệ nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh khiến cho nhu cầu về điện giảm ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, các chuyên gia dự báo nhu cầu này vẫn có xu hướng tăng trở lại trong thời gian tới khi thế giới có thể khống chế đại dịch, các hoạt động sản xuất kinh doanh quay trở lại trạng thái bình thường. Trong khi đó, tại Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, việc khai thác các nguồn năng lượng truyền thống để sản xuất điện trong nhiều năm qua đã, đang phải đối mặt với những cảnh báo về sự cạn kiệt tài nguyên và đặt ra những yêu cầu mới về loại hình năng lượng thay thế.
Khác với nhiệt điện than cần đốt lượng lớn nguyên liệu, thủy điện cần tích trữ nước hay năng lượng tái tạo phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết, điện hạt nhân được tạo ra do phản ứng phân hạch dẫn đến sinh nhiệt mà không có chất nào bị đốt cháy. Điều đáng nói là trong quá trình sản xuất điện hạt nhân, lượng khí CO2 thải ra tính trên đơn vị 1 kWh điện rất thấp. Theo các chuyên gia năng lượng hạt nhân trên thế giới, các phản ứng hạt nhân giải phóng một nguồn năng lượng rất lớn chỉ từ một lượng Uranium rất nhỏ. Cụ thể, năng lượng giải phóng từ 1 gam Uranium được cho là tương đương với việc đốt 1 tấn dầu và lượng khí thải CO2 trên 1 đơn vị kWh tính cho cả một chu kỳ sản xuất điện hạt nhân chỉ có 6 gam. Con số phát thải CO2 này ở điện gió (tính cả xây dựng và lắp đặt) là 10 gam/kWh; điện mặt trời (tính cả sản xuất và lắp đặt) là 50 gam/kWh; trong các nhà máy nhiệt điện khí hiện đại nhất là 400 gam/kWh; nhiệt điện than thải 800 gam CO2 để sản xuất ra 1 kWh đối với các nhà máy hiện tại, còn với các nhà máy được trang bị ở mức trung bình, con số lên tới 1.000 gam/kWh. Do đó, các chuyên gia tính toán điện hạt nhân được cho là nguồn phát điện phù hợp, có tính kinh tế và đặc biệt là thân thiện với môi trường.
Theo Hệ thống thông tin lò phản ứng điện (PRIS) được phát triển và duy trì bởi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), tính đến thời điểm 22/9/2020, toàn thế giới có 442 lò phản ứng điện hạt nhân đang vận hành với tổng công suất lắp đặt trên 391,6 nghìn MW; 53 lò phản ứng điện hạt nhân đang được xây dựng với tổng công suất lắp đặt 56,2 nghìn MW.
Tính theo khu vực, Bắc Mỹ, Tây Âu, viễn Đông của châu Á, Trung và Đông Âu lần lượt là những khu vực phát triển mạnh điện hạt nhân với 404 lò phản ứng đang hoạt động có công suất điện ròng đạt 374,9 nghìn MW, chiếm trên 90% tổng số lò phản ứng hạt nhân và 95,7% tổng công suất điện ròng của toàn thế giới. Khu vực châu Phi chỉ có 2 lò phản ứng, châu Mỹ La tinh có 7 lò phản ứng, khu vực Trung Đông và Nam châu Á có 29 lò phản ứng.
Mỹ là một trong số ít quốc gia làm chủ công nghệ nguồn, có thể xuất khẩu công nghệ hạt nhân và cũng là quốc gia đứng đầu thế giới về số lượng lò phản ứng điện hạt nhân đang vận hành với 95 lò có công suất điện ròng tương ứng đạt 97,15 nghìn MW; chủ yếu là các lò phản ứng nước áp lực và lò phản ứng nước sôi đang phổ biến. Nguồn điện hạt nhân của Mỹ cung cấp khoảng 20% điện năng sinh hoạt và sản xuất cho đất nước trên 300 triệu dân với nền kinh tế hàng đầu thế giới. Đây là một con số không hề nhỏ cho thấy những đóng góp của điện hạt nhân đối với cường quốc này. Theo Tạp chí Time (một Tạp chí quốc tế uy tín của Mỹ), với tham vọng xây dựng các nhà máy điện hạt nhân có khả năng vận hành trên Mặt Trăng và sao Hỏa, Phòng thí nghiệm Quốc gia Idaho cùng Bộ Năng lượng và Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) sẽ cùng nhau đánh giá, thẩm định ý tưởng này. Thậm chí Mỹ đã công bố dự án xây dựng lò phản ứng điện hạt nhân sử dụng nguyên liệu là chính chất thải hạt nhân; còn trước mắt, Phòng thí nghiệm Idaho đã cho ra đời một số lò phản ứng siêu nhỏ và có cả lò có thể hoạt động mà không cần nước làm mát.
Pháp là quốc gia có số lượng nhiều thứ 2 thế giới với 53 lò phản ứng điện hạt nhân với công suất ròng đạt 61,3 nghìn MW đã, đang sử dụng điện hạt nhân là nguồn cung chủ yếu, chiếm tới 70,6% tổng sản lượng điện quốc gia.
Việc nên hay không nên sử dụng nguồn điện từ phát triển hạt nhân vẫn tồn tại hai luồng ý kiến trái chiều và có ý kiến cho rằng thời gian gần đây, nhiều quốc gia châu Âu đã đóng cửa nhiều nhà máy điện hạt nhân. Tuy nhiên, những nhà máy đóng cửa hầu hết là những nhà máy điện hạt nhân được xây dựng từ thập niên 60,70, đã hết hiệu năng sử dụng. Trong khi đó, nhiều quốc gia đang có chủ trương xây mới các nhà máy điện hạt nhân. Trung Quốc đang đứng thứ 3 về số lượng lò phản ứng điện hạt nhân (49 lò); dù vậy, với tham vọng vượt qua Mỹ và Pháp, quốc gia này đang có xu hướng gia tăng nguồn điện hạt nhân. Hiện Trung quốc đang là quốc gia dẫn đầu số lượng lò phản ứng điện hạt nhân đang xây mới với 10 lò. Ấn Độ đứng thứ 2 về số lò điện hạt nhân đang xây mới với 7 lò. Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc… cũng là những quốc gia tham gia mạnh mẽ vào việc xây dựng và xuất khẩu các công nghệ lò hạt nhân. Một số quốc gia có ít hoặc không có năng lực điện hạt nhân hiện đang xem công nghệ này là một lựa chọn khả thi để tăng tính độc lập và đa dạng hóa nguồn cung năng lượng trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Ả Rập Xê Út, Belarus.
Điện hạt nhân có khả thi tại Việt Nam
Tại Việt Nam, ngày 25/11/2009 Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 41/2009/GH12 về chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận với tổng mức đầu tư dự toán khoảng 200 nghìn tỷ đồng (theo thời giá lập dự toán năm 2008). Theo đó, Việt Nam dự định xây dựng 2 nhà máy có tổng công suất trên 4.000 MW sử dụng công nghệ lò nước nhẹ cải tiến, thế hệ lò hiện đại nhất đã được kiểm chứng, dự định sẽ đưa tổ máy thứ nhất vận hành vào năm 2020. Công nghệ dự định xây dựng và sử dụng cho hai nhà máy điện hạt nhân được chuyển giao từ Nga và Nhật Bản, hai quốc gia hàng đầu về công nghệ điện hạt nhân.
Tuy nhiên, dự án xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận đã được Quốc hội bỏ phiếu thông qua Nghị quyết dừng vào năm 2016 trên cơ sở xem xét, cân nhắc rất kỹ lưỡng điều kiện kinh tế của Việt Nam tại thời điểm đó. Cụ thể theo Văn phòng Chính phủ, tình hình phát triển kinh tế vĩ mô của Việt Nam tại thời điểm năm 2016 có nhiều thay đổi so với thời điểm quyết định chủ trương đầu tư dự án năm 2009. Dó đó, chủ trương của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ là xem xét lại các dự án ưu tiên để quyết định, triển khai cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội là tập trung dồn nguồn lực để triển khai các dự án trọng điểm quốc gia, chú trọng đầu tư phát triển các dự án cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại có mức độ ưu tiên.
Những năm gần đây, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam luôn ở mức cao so với khu vực và thế giới, điều đó cũng đòi hỏi nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao để phục vụ sản xuất và mức sống ngày một tăng của người dân. Thủy điện và nhiệt điện than đang chiếm tỷ trọng lớn trong việc cung cấp điện lưới quốc gia nhưng Việt Nam đã hết dư địa khai thác thủy điện, thậm chí đang đối mặt với các vấn đề về an ninh nguồn nước. Còn nhiệt điện than đang bị hạn chế do ô nhiễm môi trường, bụi mịn PM2.5 và các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu. Các nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, địa nhiệt…) đang được Việt Nam triển khai mạnh mẽ nhưng tính ổn định không cao, phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết. Khắc phục được các hạn chế nêu trên, điện hạt nhân vẫn được đánh giá có tiềm năng để trở thành một nguồn cung mới vào lưới điện quốc gia Việt Nam.
Tính khả thi của việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam được các chuyên gia đánh giá dựa trên các ưu điểm như: Đa dạng hóa nguồn năng lượng, góp phần đáp ứng nhu cầu điện năng của đất nước, giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu hóa thạch, giá cả cạnh tranh với các nguồn điện sử dụng nhiên liệu nhập khẩu; Góp phần giảm phát thải, ứng phó biến đổi khí hậu, hạn chế khai thác tài nguyên hóa thạch; Góp phần nâng cao vị thế Việt Nam khi từng bước làm chủ được công nghệ hạt nhân…
Với mức độ ổn định tương đương thủy điện và nhiệt điện than, giá thành rẻ hơn điện than nhập và điện khí hóa lỏng (LNG) và ưu điểm thân thiện môi trường, điện hạt nhân hội tụ đủ khả năng để Việt Nam cân nhắc sử dụng như nguồn năng lượng tiềm năng trong tương lai.
Tại dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (dự thảo Quy hoạch điện VIII) do Bộ Công thương và Viện năng lượng xây dựng, việc tái khởi động lại dự án điện hạt nhân cũng được đưa ra để xem xét cho giai đoạn sau năm 2030 nhằm góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cũng như đáp ứng yêu cầu giảm phát thải khí nhà kính. Theo các chuyên gia, việc phát triển một nguồn năng lượng, đặc biệt là với năng lượng hạt nhân cần một khoảng thời gian khá dài để đảm bảo các tính toán, đánh giá kỹ lưỡng và vấn đề an toàn được đặt lên hàng đầu. Mặc dù là công việc không hề dễ dàng với sự thay đổi và phát triển công nghệ từng ngày của thế giới, nhưng việc dự báo gần sát các nhu cầu và xu hướng trong tương lai là điều thực sự cần thiết để Việt Nam có thể lên các kế hoạch lâu dài, đảm bảo nguồn cung điện cho sinh hoạt, sản xuất và phát triển kinh tế./.
Nguồn: Duy Hưng (http://consosukien.vn)